Để dùng sucralfat hiệu quả trong điều trị loét dạ dày – tá tràng

Tác dụng bao che niêm mạc (bảo vệ niêm mạc dạ dày) của sucralfat là tạo một phức hợp với các chất như albumin và fibrinogen của dịch rỉ kết dính với ổ loét, làm thành một hàng rào ngăn cản tác dụng của acid, pepsin và mật với tổn thương. Đồng thời ức chế hoạt động của pepsin, gắn với muối mật, làm tăng sản xuất prostaglandin E2 và dịch nhầy dạ dày. Vì thế khi sử dụng thuốc không nên uống cùng thức ăn, phải uống sucralfat vào lúc đói (mới có tác dụng bao che niêm mạc).

Tuy nhiên khi sử dụng cần lưu ý: đối với loét dạ dày – tá tràng người bệnh thường phải dùng sucralfat cùng với các thuốc khác như các antacid (để giảm nhẹ chứng đau), nhưng không được uống cùng một lúc vì antacid có thể ảnh hưởng đến sự gắn của sucralfat trên niêm mạc. Vì thế cần uống các antacid trước hoặc sau khi uống sucralfat 30 phút.  Đối với các thuốc: cimetidin, ranitidin (kháng thụ thể histamin H2), ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin, tetracyclin (kháng sinh), digoxin (thuốc trợ tim), phenytoin (thuốc chống động kinh), theophylin (thuốc giãn phế quản) khi uống cùng với sucralfat sẽ bị giảm hấp thu.  Vì vậy phải uống những thuốc này 2 giờ trước hoặc sau khi uống sucralfat.

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh thường gặp triệu chứng táo bón. Ngoài ra có thể gặp tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu… Tuy nhiên các phản ứng này thường nhẹ và rất hiếm trường hợp phải ngưng thuốc. Đối với người suy thận nên tránh dùng (do nguy cơ tăng nồng độ nhôm trong huyết thanh, nhất là khi dùng dài ngày).

Theo SKDS