Tìm ra thuốc điều trị ung thư gan
Lần đầu tiên các bác sĩ nói họ đã tìm ra loại thuốc viên kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư gan, một căn bệnh nổi tiếng khó điều trị và có tới hơn 500.000 người mắc mỗi năm.
Các kết quả thí nghiệm trong một nghiên cứu đa quốc gia với 602 bệnh nhân bị bệnh ung thư gan di căn thật ấn tượng và sẽ thay đổi cách điều trị bệnh, các chuyên gia ung thư, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Mặc dù, trung bình thời gian sống thêm của bệnh nhân dùng sorafenib là 10,7 tháng so với gần tám tháng của những người dùng giả dược, nhưng tới nay, một số bệnh nhân dùng sorafenib vẫn còn sống.
Lợi thế này chưa bao giờ xảy ra ở ung thư gan và đây là một bước đột phá lớn trong phương pháp điều trị bệnh – Tiến sĩ Josep Llovet, trưởng nhóm nghiên cứu nói.
“Mặc dù thời gian sống thêm không nhiều nhưng với ung thư gan, đây là một thành công khá ấn tượng” – Tiến sĩ Nancy Davidson thuộc Trường Y tế Công cộng Bloomberg nói. “Đây là phương pháp điều trị hữu hiệu đầu tiên với ung thư gan”.
Thuốc sorafenib nhắm vào các tế bào ác tính và giảm lượng máu tới nuôi dưỡng khối u. Khối u của nhiều bệnh nhân không co lại hoặc biến mất nhưng chúng cũng không phát triển.
“Thuốc sẽ không chữa khỏi bệnh nhưng nó trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh một cách đáng kể” – ông Llovet thuộc Trường Y tế Mount Sinai ở New York và Bệnh viện Barcelona, Tây Ban Nha, cho biết.
Thuốc sorafenib, có tên thương mại là Nexavar, được Mỹ và hàng chục nước khác cấp phép để điều trị ung thư thận di căn. Nó được sản xuất bởi Bayer Pharmaceuticals Corp. và Onyx Pharmaceuticals Inc.
Các nhà nghiên cứu hi vọng Mỹ và các nước khác sẽ đồng ý để loại thuốc này được phép điều trị bệnh ung thư gan di căn.
Hàng năm, khoảng 500.000 người trên toàn thế giới bị mắc ung thư gan. Các yếu tố dẫn tới bệnh này gồm một số dạng viêm gan. Bệnh phổ biến ở Trung Quốc và các nước không sử dụng phổ biến vaccine viêm gan B.
Ung thư gan không phản ứng tốt với hoá trị liệu truyền thống và thường được chẩn đoán muộn. Rất nhiều bệnh nhân qua đời trong vòng một năm sau chẩn đoán.
Hồng Hạnh (Theo AP)