Bọ xít hút máu người: Nguy hiểm đến đâu?

Thông tin về loại bọ xít hút máu người và có thể truyền bệnh, dịch hủy hoại cơ chế miễn dịch của cơ thể con người, dẫn đến tử vong đang làm dư luận Hà Nội “nóng”. Loài bọ xít này có nguy hiểm như vậy hay không, theo tìm hiểu của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, có thể khẳng định loại bọ xít này chỉ gây ra sự phiền nhiễu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày chứ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Không có chuyện bọ xít truyền bệnh gây tử vong

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Nguyễn Văn Châu, chuyên gia đầu ngành về côn trùng của Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương cho biết, gần đây một người dân ở ngõ Văn Chương – Đống Đa, Hà Nội đã bị côn trùng (có đặc điểm giống bọ xít) đốt. Người này đã bắt được con côn trùng này và gửi tới Viện. Qua mẫu côn trùng mà Viện nhận được xác định đây là loại bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma rubrofassiata De Geer, 1771, được TS. Trương Xuân Lam – Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật thuộc Viện KHCNVN định tên) thuộc giống Triatoma, họ Reduviidae (bộ cánh nửa Hemiptera hay Heteroptera). Qua xem xét, thấy vết đốt chỉ hơi sưng tấy, hiện tại vết sưng đã hết và sức khỏe người này hoàn toàn bình thường.

Đi sâu về loại bọ xít này, PGS.TS. Châu bác bỏ một số thông tin đã đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây, rằng loại bọ xít này nguyên nhân truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Thông tin này chưa chuẩn vì nó còn tùy thuộc vào khí hậu và vùng địa lý của từng quốc gia. Nếu truyền bệnh Chaga’s thì chỉ đúng với khu vực Nam Mỹ chứ đối với khí hậu ở Việt Nam thì chưa xảy ra. Cần phải hiểu rõ mỗi loại côn trùng có thể truyền nhiều loại bệnh nhưng phải theo vùng địa lý. Không nên đưa thông tin chung chung rằng loại bọ xít này truyền bệnh nguy hiểm tới sức khỏe con người gây hoang mang cho xã hội.

Có thể khẳng định rằng, đối với thời tiết, khí hậu nóng, độ ẩm cao như Việt Nam, hiện tại loại bọ xít này không có gì là nguy hiểm, nếu chẳng may bị đốt sẽ chỉ bị sưng tấy và ngứa ngoài da. Không có cơ sở khẳng định rằng loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người. Thực tế đã có trường hợp người dân ở ngõ Văn Chương – Hà Nội bị đốt nhưng sức khỏe hiện tại là hoàn toàn bình thường. Người dân nên dùng lưới sắt, mành để hạn chế loại bọ xít này vào nhà gây phiến toái đến cuộc sống. Nếu chẳng may bị đốt, người dân nên dùng ngay các loại thuốc bôi chống dị ứng do vết đốt côn trùng. Không nên gãi vì gãi sẽ làm da trầy xước và gây bội nhiễm, nhiễm trùng

Bọ xít hút máu người được người dân ở ngõ Văn Chương gửi đến Viện SR – KST – CT TW.

Người dân chớ hoang mang!

Phải khẳng định ngay rằng loại bọ xít này chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã gây ra hoang mang cho người dân. Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Công Tảo – Khoa xử lí dịch bệnh – sốt rét – ký sinh trùng -côn trùng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (TTYTDPHN) cho biết, hiện tại TTYTDPHN chưa nhận được mẫu bọ xít này, tuy nhiên thông tin trên một số phương tiện thông tin thời gian gần đây đã gây hoang mang cho người dân Thủ đô. Với quan điểm của người làm phòng chống dịch bệnh, TS. Tảo cho rằng người dân khi phát hiện ra loại bọ xít này cần mang mẫu đến trung tâm để chúng tôi nghiên cứu, phân loại. Người bị đốt cần đến cơ sở y tế để xem vết đốt như thế nào, có bị sốt, nhiễm khuẩn không? Như vậy mới có thể đưa ra biện pháp phòng chống dịch, có những khuyến cáo để người dân phòng chống một cách phù hợp nhất. Chưa thể khẳng định loại bọ xít gây truyền bệnh như như thế nào bởi lẽ mới chỉ có một vài trường hợp bị đốt. Trong thời gian tới, nếu loại côn trùng này phát triển với số lượng lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân, TTYTDPHN sẵn sàng tiến hành các biện pháp xử lí cũng như hướng dẫn người dân cách phòng chống.

Như vậy là đã rõ, việc loại bọ xít hút máu người được một số phương tiện thông tin đại chúng “rầm rộ” đăng tải, theo ý kiến chuyên gia về côn trùng của ngành y tế, được hiểu như một loại côn trùng thông thường!. Người dân không nên hoang mang và cách phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ,  khi ngủ nên nằm màn!

Bài & ảnh: Anh Tuấn  – SKDS