Công bố thành công từ các ca ghép tạng: Khẳng định tài năng và trí tuệ của thầy thuốc Việt Nam

“Thành công của ca ghép tim từ người cho chết não được Bệnh viện Quân y 103 thực hiện là một mốc son, một dấu ấn lịch sử đi vào truyền thống của chuyên ngành ghép tạng nước ta”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã vui mừng cho biết và khẳng định tại buổi họp báo ngày 25/6 để thông báo những thành tựu ghép tạng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trao bằng khen cho đại diện các tập thể thực hiện ghép tạng. Ảnh: A.T

Việt Nam đủ điều kiện để thực hiện nhiều kỹ thuật ghép tạng

Ở Việt Nam phẫu thuật ghép tạng đã được các thế hệ thầy thuốc chuẩn bị từ những năm 70 của thế kỷ trước, tuy nhiên, vì nhiều lý do nguyện vọng đó vẫn chưa được thực hiện. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, trường hợp ghép thận đầu tiên lấy từ người cho sống đã được các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103-Học viện Quân y thực hiện thành công. Tiếp nối thành công đó, các thầy thuốc Việt Nam đã tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên. Từ đó đến nay, cả nước đã có 15 bệnh viện (cả quân và dân y) triển khai kỹ thuật ghép mô tạng và tiến hành ghép được gần 300 trường hợp. Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, mặc dù chậm hơn so với thế giới khoảng nửa thế kỷ, tuy nhiên trong lĩnh vực ghép mô, tạng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Từ sự thành công của 3 ca ghép thận, gan từ người cho chết não không có sự trợ giúp của nước ngoài đến thành công từ ca ghép tim từ người cho chết não mới đây nhất đã tạo bước đột phá cho lĩnh vực này. Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận và gan từ người cho chết não và người cho sống. Đã bước đầu thực hiện kỹ thuật ghép tim. Trên cơ sở này, việc ghép các tạng khác (tụy, phổi, ruột,…) sẽ không là khó khăn. Thành công của ca ghép tim từ người cho chết não được Bệnh viện Quân y 103 thực hiện đã là một mốc son, một dấu ấn lịch sử đi vào truyền thống của chuyên ngành ghép tạng nước ta.

Chiều 24-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến thăm, tặng quà bệnh nhân đầu tiên được ghép tim từ người cho chết não tại Việt Nam và chúc mừng cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y sau thành công của ca phẫu thuật này. Bộ trưởng khẳng định thành công bước đầu của ca ghép tim trên người tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc nơi đây mà còn là thành công của ngành y tế Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn hiến tạng

Ghép bộ phận cơ thể người là một trong những biện pháp quan trọng trong y học để điều trị nhiều bệnh lý, đem lại sự sống cho nhiều người bệnh không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên cũng như nhiều nước trên thế giới, khó khăn lớn nhất trong ghép tạng đó là nguồn hiến tạng đang rất khan hiếm. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong ghép tạng, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ tạo điều kiện cho chuyên ngành ghép tạng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam nguồn hiến tạng đang rất khan hiếm. Để từng bước khắc phục khó khăn này chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sâu rộng về việc hiến tạng để cứu người cũng như tuyên truyền về Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Qua đó nhằm tạo ra nguồn hiến tạng dồi dào, thúc đẩy việc hiến tạng từ người cho chết não. Một tin vui nữa đến với chuyên ngành ghép tạng Việt Nam, Bộ Y tế sẽ triển khai thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng theo luật quy định. Đây là một việc làm cần thiết và cấp bách để đưa chuyên ngành ghép tạng Việt Nam lên tầm cao mới sánh ngang khu vực và trên thế giới.

Ca ghép tim đầu tiên từ người cho chết não do các thầy thuốc trong nước thực hiện thành công có thể xem là một bông hoa mà những người thầy thuốc dâng lên chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại hội Đảng các cấp. Các thầy thuốc Việt Nam đã làm nên một vinh quang cho nền y học Việt Nam. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều ca ghép tạng được thực hiện thành công để mang lại niềm hy vọng cho những người mắc phải các bệnh hiểm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bài và ảnh: ANH TUẤN – SKDS