Cây gai – cây thuốc quý của chị em
Cây Gai còn có tên là Gai làm bánh, trữ ma… Cây được trồng khắp nơi để lấy sợi, hay lấy lá. Lá được dùng làm bánh Gai ăn rất ngon, sợi trước đây dùng làm dây Gai và còn được dệt làm lưới đánh cá.
Đó là một loại cây nhỏ lâu năm, cao 1-2m; lá lớn mọc so le hình trứng dài 7-15cm, rộng 4-8cm, mép lá có răng cưa, gốc lá tròn hay hình tim, đầu lá thuôn nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới có lông trắng bạc, cuống lá màu đỏ có lông mềm; cụm hoa mọc thành túm dày đặc ở kẽ lá, hoa đực và hoa cái riêng; quả bế (hình quả lê) mang đài tồn tại; hạt có dầu. Rễ và lá được dùng làm thuốc.
Rễ Gai có tác dụng lợi tiểu, thu liễm, an thai. Chữa lâm lậu, thoát giang, ruột bị phong, đại tiện ra máu, bị chấn thương có ứ huyết, phong thấp tê bại, bạch đới hay xích đới. Còn chữa đái ra máu, hậu môn sưng đau, viêm tử cung.
Trong nhân dân, thường người ta dùng rễ và lá Gai để chữa các bệnh sau:
Phụ nữ có thai bị đau bụng ra huyết dọa sẩy
Bài 1: Lấy rễ cây Gai mới hái, hoặc phơi khô 30g sắc với 600ml nước, cô lại còn 1/3 chia làm 3 lần uống trong ngày, uống 1-2 ngày lá có hiệu quả.
Bài 2: Rễ Gai 2 phần, cành tía tô 2 phần và thêm 1 phần ngải cứu (mỗi phần chừng 4g), thái nhỏ phơi khô, sắc với 400ml nước cô còn 1/4 uống làm một lần trong ngày. Nếu có rỉ máu thì thêm 10g lá huyết dụ.
Bài 3: Rễ Gai tươi 4 phần, lá ngải cứu 1 phần, tía tô 1 phần (mỗi phần chừng 12-13g) sắc với nước uống trong ngày.
Phụ nữ bị sa tử cung: Rễ Gai khô 30g sắc với 600ml nước, uống nhiều lần trong ngày. Uống liền 3-4 ngày.
Đi tiểu ra máu: Lấy 15-20g lá Gai sắc nước uống trong ngày.
Đi tiểu nước trắng đục như nước vo gạo: Rễ Gai 30g, rau dừa nước và thổ phục linh (mỗi thứ 20g), đinh lăng, trinh nữ và thương nhĩ (mỗi thứ 16g). Cho tất cả vào ấm đất cùng với 1.000ml nước sắc cô lại còn 1/4 (250ml) chia 2 lần uống trong ngày.
Làm mụn nhọt giảm sưng đau chóng mưng mủ: Lấy rễ Gai và rễ vông vang (2 thứ bằng nhau) giã nát dùng đắp. Dùng 1-2 ngày. Ngoài ra người ta còn dùng lá Gai tươi sạch, giã nát để đắp băng vào vết thương cầm máu.
Thông tin thêm:
CỦ GAI ( BOCHMERIA NIVEA )
Mô tả cây : Cây gai nói đây là cây mà lá ta vẫn dùng làm bánh gai ăn và để dệt làm lưới đánh cá. Cây sống lâu năm, có có thể cao tới 1,5-2m. lá lớn, mọc so le, hình tim, dài 7-15cm , rông 4-8cm mép có răng cưa, đáy lá có hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên màu lục sẫm, dáp, có 3 gân từ cuống phát ra. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị. Hoa cái có đài hợp chia làm 3 răng. Quả bế mang đài tồn tại. Rể hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học : Hoạt chất hiện chưa xác định được. Mới thấy có axit clorogenic là một loại tanin, do sự kết hợp của axit cafeitanic và axit quinic.
Tính vị, tác dụng : Tính theo vị đông y. ngọt, hàn, không độc, có tác dụng tả nhiệt, tán ứ, chữa đơn độc, thông các chứng lâm, chữa sang lở, thông tiểu tiện. Phàm không thực nhiệt chớ có dùng. Thường dùng làm thuốc.
Công dụng : Dùng làm thuốc an thai, chữa bệnh phụ nữ có thai đau bụng, nước vàng đỏ vẫn chảy rỉ. Lợi tiểu, rể và lá còn dùng làm thuốc lợi tiểu tiện, chữa tiểu tiện đục, đi tiểu ra máu, viêm tử cung, lòi đom không co lên được. Liều dùng ngày trung bình10-30g sắc với nước uống.