Sữa nhập khẩu đắt kinh hoàng, vì bị làm giá?

Kết quả khảo sát trên 100 loại sữa nhập khẩu vào Việt Nam công bố ngày 7/7 của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, đã khẳng định thêm một lần nữa thực tế “cao bất hợp lý” từ 60-200% của giá sữa ngoại.

Từ thực tế kiểm tra thị trường, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội, Vương Trí Dũng, đặt ra nghi vấn có sự “bắt tay làm giá” và “sự thông đồng để ăn chênh lệch giá” của các hãng sữa ngoại.

“Đổ thừa” không thuyết phục

Hàng loạt thông tin công bố tại hội thảo sáng 7/7 khiến người nghe bất bình, xót ruột vì cảm giác “bị móc túi trắng trợn” khi đại diện các Bộ Công thương, Tài Chính, Nông nghiệp… đều khẳng định sữa bột nhập khẩu ở Việt Nam đang “ngược đời” so với xu thế giá thế giới.

Sữa ngoại tại Việt Nam cao nhất khu vực. (Ảnh: VNN)

Bằng chứng khó chối cãi là trong khi giá sữa nguyên liệu giảm đến 40- 60%, thuế giảm và mức thuế chỉ tương đương khu vực nhưng giá sữa ngoại bán ra vẫn “vượt trội” so với khu vực, trung bình từ 20 – 30%, thuộc hàng đắt nhất thế giới.

Cùng nhập một nhãn hiệu nhưng giá bán lẻ tại Việt Nam lại cao hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia… từ 20 – 60%, có trường hợp đến 150% trong khi thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam thấp hơn nhiều, chưa quá 10% (Thái Lan từ 0 – 40%).

Kết quả công bố này đã bác bỏ lý do “tại thuế” mà các nhà nhập khẩu vẫn viện cớ lâu nay. TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) thẳng thắn phát biểu: “nói do thuế cao hơn dẫn đến giá sữa cao là quá sức phi lý”.

Đến từ Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính, ông Trần Đình Điền cũng bác bỏ ngay sự đổ thừa cho tỷ giá của các nhà kinh doanh. “Theo chúng tôi, mức tăng tỷ giá hối đoái từ 6 – 8% chưa thể lý giải cho việc giá bán lẻ mặt hàng sữa nhập khẩu rất cao như hiện nay”, ông Điền khẳng định.

Riêng lý do chi phí cho quảng cáo và kinh doanh cao đã bị chính một số doanh nghiệp sữa ngoại phản ứng. Theo các doanh nghiệp này, các doanh nghiệp trong nước cũng “chịu chi” không kém.

Tuy nhiên, họ không lý giải được vì sao tuy “chịu chi” không kém mà giá sữa nội chỉ bằng 1/3 sữa ngoại ngoài lý do “chúng tôi bổ sung vi chất”. Nhất là khi sữa nội cũng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chứ không thể “tự túc tự cấp”.

Thực chất “vi chất” này bổ béo ra sao, theo bà Nga, chưa hề được cơ quan chức năng nào kiểm định, chỉ biết mỗi lần “bổ sung vi chất”, giá sữa lại “đội” thêm 5-7%.

Làm giá và thông đồng ăn chênh lệch?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trên thị trường Việt Nam hiện có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đây là một số lượng không nhỏ nếu không muốn là thừa đủ lớn để tạo ra một thị trường cạnh tranh.

Nhưng lạ lùng là, bất kể bối cảnh giá sữa thế giới và sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm, giá trong nước vẫn từ cao đến rất cao, hiện đang gần cao nhất khu vực.

Thậm chí, từ 9/3, thuế nhập khẩu của đa số các mặt hàng sữa đều giảm từ 5%-10%, cộng hưởng giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm 40-60%, nhưng giá sữa ngoại chẳng những không giảm mà còn tiếp tục “leo thang”.

Vậy đâu là nguyên nhân đẩy giá sữa ngoại “kinh hoàng” đến vậy khi những lý do “đổ thừa” khách quan đều không thuyết phục?

Liệu có sự bắt tay, thông đồng đẩy giá sữa lên cao? (Ảnh: VNN)

Từ thực tế kiểm tra, Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng, rất có khả năng một số doanh nghiệp đang lạm dụng vị thế trên thị trường để “làm giá”.

Giải thích lý do tại sao lại có thể bắt tay làm giá khi thị trường đông kẻ bán, một chuyên gia lâu năm trong ngành sữa, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch Công ty CP Sữa Quốc Tế, cho biết, tuy hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng thực tế chỉ có 4-5 nhãn hiệu thâu tóm 80% thị phần sữa bột.

“Nếu họ muốn bắt tay làm giá thì rất dễ vì bán ra thế nào người tiêu dùng cũng phải mua”, ông Khải cho biết.

Ông Vương Trí Dũng cũng đặt vấn đề “cần phải điều tra xem có việc độc quyền liên kết làm giá của các doanh nghiệp hay không”, bởi thực tế kiểm tra của Quản lý thị trường đã phát hiện ra rất nhiều “bất hợp lý” trong cách tính giá sữa.

Đơn cử là so sánh 2 lô hàng Ensure nhập khẩu song song. Một nhập từ Thái Lan có giá gốc cao hơn giá của nhà phân phối tại Việt Nam nhập tới 96% nhưng lại bán ra thấp hơn 26%.

Một câu chuyện khác “không minh bạch” về giá sữa mà ông Dũng công bố là hiện tượng thông đồng để ăn chênh lệch giữa giá gốc khi nhập khẩu với giá phân phối và giá bán lẻ.

Theo ông Dũng, hầu hết các loại sữa ngoại đều có chênh lệch giá bán lẻ rất cao. Enfa Grow A+ của Mead Johnson loại 900gr chênh lệch giữa giá nhập và niêm yết đến 242%. Loại Dugro Gold 800gr của Dumex chênh lệch 285%, Gain, Pedia Sure, Ensure.. của Abbott loại 400gr chênh lệch 220 – 246%…

Theo ông Dũng, sự thông đồng chênh lệch giá này nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ, nhưng không làm lợi cho người tiêu dùng mà làm lợi… đại lý bán sữa.

Ông Dũng đề xuất 3 điểm có thể làm minh bạch giá sữa: Hải quan kiểm tra sau thông quan để minh bạch giá nhập với thực tế chống thỏa thuận gửi giá, hạ giá nhập khẩu;

Cơ quan thuế kiểm tra bán hàng phải xuất hóa đơn đúng giá, minh bạch việc chênh lệch giá tại các khâu lưu thông, buộc người hưởng lợi phải nộp thuế. Cuối cùng, cơ quan quản lý thị trường sẽ kiểm tra việc niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết.

Hiện có sự thông đồng để ăn chênh lệch giá giữa chính hãng và nhà phân phối hay không cần điều tra thêm. Nhưng chỉ nhìn vào chênh lệch giá nhập và giá bán lẫn tần suất quảng cáo, các “quan hệ” tận nhà trường, bệnh viện đủ thấy, người tiêu dùng lâu nay đang trả phần nhiều tiền ngoài những gì có trong hộp sữa.

“Giá sữa cao vì thị trường quyết định thì chịu, nhưng do chênh lệch giá cao, Nhà nước không thu được thuế, người tiêu dùng chịu thiệt và là nguồn cạnh tranh quảng cáo quá mức thì phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý. Cũng cần xem xét có sự tiếp tay, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý tại khâu này không?”, ông Dũng đặt vấn đề.

Và đây cũng là câu hỏi cần đặt ra với cơ quan quản lý.