Ù tai là gì?
Một bệnh nhân bị chứng ù tai khi họ nghe được những tiếng động như tiếng ù ù, ve kêu, tiếng sột soạt, vun vút … hay những tiếng động khác, được cảm giác như là xuất phát từ trong tai hay trong đầu họ. Thông thường chứng này không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp làm cho bệnh nhân thấy khó chịu và phiền phức. Đó không được coi là một bệnh, mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh nền. Ở Mỹ, có khoảng 36 triệu người mắc chứng bệnh này, và trong hầu hết các trường hợp chỉ có người bệnh mới nghe được những âm thanh bất thường trên.
Nguyên nhân
Những âm thanh bất thường này có thể xuất phát từ một trong 4 thành phần cấu tạo của tai, đó là : tai ngoài, tai giữa, tai trong và não bộ. Đôi khi chứng ù tai này chỉ là một biểu hiện sinh lý, nghĩa là không có ý nghĩa bệnh lý.
Ví dụ, khi ta đi vào một phòng cách âm, khi đó các âm thanh bình thường bên ngoài trở nên nhỏ đi, vì thế tai ta trở nên nhạy với các âm thanh từ bên trong cơ thể ta. Bình thường các âm thanh ít gây sự chú ý của chúng ta vì chúng bị các tiếng ồn xung quanh ta át mất. Bất kì vật gì, như ráy tai hay một vật lạ nào đó bịt mất ống tai ngoài, các âm thanh bên ngoài không đến được tai ta, thế là chúng ta bắt đầu nghe được các âm thanh từ bên trong đầu. Dịch, viêm, hoặc một bệnh lý nào đó của vùng tai giữa và màng nhĩ cũng gây nên chứng ù tai này.
Một trong những nguyên nhân thường gặp khác của chứng ù tai là do tổn thương các đầu tận cùng cảm giác của dây thần kinh thính giác. Khi chúng ta càng lớn tuổi, thì dây thần này của chúng ta càng bị nhiều tổn thương và hậu quả tất yếu là bị chứng ù tai này. Ngày nay, một nguyên nhân hàng đầu nữa gây ù tai là do hàng ngày ta phải chịu đựng quá nhiều tiếng ồn cường độ lớn. Đáng tiếc là rất nhiều người không thấy được tác hại của những âm thanh này, của tiếng súng nổ, tiếng nhạc mở lớn …Một số loại thuốc (như aspirin), và một số bệnh của tai trong (hội chứng Meniere chẳng hạn), cũng gây ù tai. Hiếm khi ù tai lại là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như u não (khối u nằm ở vùng thính giác trong não) hay phình mạch máu não.
Làm cách nào để đánh giá được chứng ù tai ?
Một bệnh sử đầy đủ, khám lâm sàng kĩ lưỡng và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể giúp người thầy thuốc tìm được chính xác căn nguyên của chứng ù tai. Điều này rất cần thiết cho các bác sĩ xác định xem chứng ù tai này là liên tục, từng cơn, hay theo nhịp mạch (xuất hiện tương ứng với nhịp tim) hay nó lại liên quan với một tình trạng giảm thính lực, hoặc chóng mặt, hoa mắt. Ít khi mà nguyên nhân của chứng ù tai lại không xác định được, và những bệnh nhân có chứng ù tai kéo dài không rõ nguyên nhân này cần phải thực hiện một test để đánh giá thính lực (gọi là thính lực đồ). Một vài trường hợp có giảm thính lực có thể gợi ý nguyên nhân ù tai cho người thầy thuốc.
Một số nghiệm pháp khác, như nghiệm pháp đánh giá đáp ứng của não bộ vế thính giác , giúp đánh giá hoạt động của dây thần kinh thính giác và đường dẫn truyền của các xung thần kinh trong não bộ, hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT scan), chụp cộng hưởng từ nhân (MRI), có thể giúp phát hiện một khối u trong não nẳm ở thần kinh thính giác hoặc thần kinh tiền đình (dây thần kinh giúp cơ thể giữ được thăng bằng trong không gian).