Triệu chứng ho kéo dài

Tôi vẫn thường đi khám mỗi khi ho lâu ngày và việc uống nhiều thuốc khiến tôi ngán ngẩm, cứ thế mà căn ho kéo dài từ năm này sang năm khác, có uống thuốc gì đi nữa cũng không thể hết được, tôi lo lắm.

Tôi đã đi khám ở viện lao Phạm Ngọc Thạch, nhưng chuẩn đoán không có lao, mà là ho viêm họng thành kinh niên không thể trị khỏi được ?!

Tôi thường bị ho vào những mùa lạnh trong năm, kéo dài mấy tháng liền, rất rát cổ họng. Quý báo có thể cho tôi biết vài nơi chuyên trị bệnh ho? Tôi không tin với công nghệ y học như ngày nay mà lại bó tay với căn bệnh ho lâu năm như thế? (Minh Trung)

– Qua lời bạn kể, có thể nghĩ đến bệnh viêm phế quản mãn tính. Người ta thừa nhận đơn thuần về mặt dịch tễ học: một người được cho là bị viêm phế quản mãn tính nếu ho và khạc đờm dai dẳng mỗi năm ít nhất trong 3 tháng, và kéo dài ít nhất trong hai năm liền.

Viêm phế quản mãn tính thuộc loại bệnh phế quản mãn tính tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu do nghiện thuốc lá, ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường ở thành thị, hoặc do thời tiết.

Đầu tiên bệnh mới ở giai đoạn thiểu năng thông khí, chưa có rối loạn các khí trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển đến suy hô hấp mãn tính, với thiếu oxy máu, rồi kết hợp với ưu thán, sau có tăng áp lực động mạch phổi, cuối cùng là bệnh tim – phổi mãn tính với suy tâm thất phải. Bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp cấp thứ phát sau bội nhiễm phế quản, do tắc động mạch phổi hoặc do suy tim (phải).

Phát hiện và chữa sớm ở giai đoạn mới có thiểu năng thông khí, bệnh có khả năng ổn định và cải thiện tốt về mặt cơ năng, làm việc được lâu dài.

1. Trước hết phải cai nghiện hẳn thuốc lá vì bệnh không thể tiến triển tốt nếu bệnh nhân còn hút thuốc. Đồng thời, tránh nơi ô nhiễm môi trường, thay đổi không khí đến vùng nóng và khô ráo thì rất tốt.

2. Vận động liệu pháp hô hấp để làm dễ khạc đờm, tăng dung lượng thở. Nên nhờ một chuyên gia lý liệu pháp hướng dẫn trước khi tự làm tại nhà. Các phương pháp thở khí công, Yoga cũng rất tốt.

3. Cho thuốc dãn phế quản: Theophybline chậm hay khí dung Ventoline

4. Điều trị mạnh, sớm và đủ lâu các đợt nhiễm trùng (bội nhiễm) bằng kháng sinh thích hợp: Clamoxyl, Erythromycine, đồng thời chữa tiệt căn các ổ nhiễm trùng răng, tai, mũi, họng. Không nên điều trị dự phòng kháng sinh về mùa đông vì vô ích (Không chữa bao vây) và còn có hại vì gây kháng thuốc.

5. Nếu có điều trị nên chủng (tiêm) phòng mắc cúm trước mùa đông và chủng phòng vi trùng về mùa thu

Không nên làm:

– Cho thuốc giảm ho, vì hạn chế khạc đờm. Ngược lại phải làm cho bệnh nhân dễ khạc đờm, uống nhiều nước là biện pháp long đờm tốt. Nên nhớ cách chống ho tốt nhất là phối hợp thuốc dãn phế quản + vận động liệu pháp hô hấp + thuốc chống nhiễm trùng + cai thuốc lá.

– Cho thuốc ngủ hoặc thuốc chống lo âu làm giảm hô hấp có thể gây ra tai họa

– Cho thuốc an thần vi trạng thái vật vã, kích thích thường là dấu hiệu ưu thán cấp.

– Cho thuốc chống nhiễm trùng có hệ thống (bao vây) khi trạng thái hô hấp nặng lên, vì tình trạng này có khi thể hiện một căn nguyên khác (lấp quản phổi, khí phế thũng, nhất là ung thư phế quản)

– Cũng không nên cho thuốc kích thích hô hấp Corticoide, thuốc chống đông dài hạn vì nguy hiểm

Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được điều trị chu đáo và hiệu quả!

BS LƯU MẠNH TÙNG
Chuyên khoa II, Nội khoa

Theo Tuổi trẻ