Thuốc chống viêm – giảm đau – hạ sốt: Dùng thế nào cho đúng?
Hiện nay, trên thị trường, các thuốc chống viêm, hạ sốt và giảm đau được bán tự do tại các hiệu thuốc mà không cần đơn. Nhiều người khi có dấu hiệu sốt hoặc đau cơ, khớp đều tự động ra hiệu thuốc mua về dùng. Vậy tác dụng của các loại thuốc này như thế nào?
Ngày nay, nhiều thuốc có cấu trúc hóa học như dẫn xuất của salicylat, pyrazolon, indol, oxicam, propionic… ở mức độ khác nhau đều có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt và chống kết tập tiểu cầu. Vì thế, chúng được gọi là thuốc chống viêm phi (không) steroid (CVKS hoặc CVPS) để phân biệt với các glucocorticoid (có nhân sterol). Trừ dẫn xuất của anilin như paracetamol, phenacetine chỉ có tác dụng hạ sốt, giảm đau, không có tác dụng chống viêm.
Tác dụng chống viêm
Thuốc tác dụng lên hầu hết các loại viêm không kể nguyên nhân; chỉ ở liều cao thuốc mới có tác dụng kháng viêm; thuốc có tác dụng lên thời kỳ đầu của quá trình viêm.
Thuốc ức chế sinh tổng hợp prostagladin (PG) do ức chế cyclo – oxygenase (COX) làm giảm sự tổng hợp PGE2 và F1 là những chất trung gian hóa học của phản ứng viêm.
Bằng kỹ thuật phân tử ở thập niên 1990, người ta đã xác định được sự khác nhau giữa hai chất COX1 và COX2, tuy có cùng trọng lượng phân tử và có 60% acid amin giống nhau nhưng lại tìm thấy ở những vị trí khác nhau trong tế bào. Chỉ có COX2 hầu như không có mặt trong các tổ chức bình thường mà được tạo ra do cảm ứng, chủ yếu tại các tổ chức viêm. Vì thế, sự an toàn của thuốc kháng viêm phụ thuộc khả năng ức chế chuyên biệt, ức chế ưu thế hay ức chế chọn lọc men COX2. Những thuốc thế hệ sau tác dụng phụ giảm nhiều so với loại cổ điển.
– Thuốc làm bền vững màng lysosom, ngăn cản các enzym của lysosom phân giải trong quá trình thực bào nên ức chế quá trình viêm.
– Thuốc đối kháng với các chất trung gian hóa học của quá trình viêm như ức chế di chuyển của bạch cầu, ức chế phản ứng kháng nguyên – kháng thể…
Riêng nhóm salicylat còn làm tăng giải phóng steroid nên làm tăng tác dụng kháng viêm.
Tác dụng chống viêm của các thuốc rất khác nhau. Nếu lấy aspirin làm chuẩn thì voltarel, flubiprofen, indomethacin có tác dụng mạnh gấp 10 lần; naproxen, piloxicam, piprofen mạnh gấp từ 3,9 – 6,5 lần.
Tác dụng hạ sốt
Thuốc không tác dụng lên nguyên nhân gây sốt nên chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Thuốc không gây hạ thân nhiệt ở người bình thường. Thuốc làm tăng quá trình thải nhiệt như giãn mạch ngoại biên, ra mồ hôi và không tác dụng lên quá trình sinh nhiệt. Thuốc tác dụng trực tiếp lên cơ chế gây sốt vì ức chế COX2 làm giảm tổng hợp PG, lập lại thăng bằng cho trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi.
Tác dụng giảm đau
Thuốc có tác dụng tốt với các chứng đau do viêm như viêm khớp, viêm cơ, viêm dây thần kinh, đau răng… Các thuốc CVPS do làm giảm sự tổng hợp PGE2 nên làm giảm cảm thụ của các dây thần kinh cảm giác với các tác nhân gây đau của phản ứng viêm như histamin, serotonin…
Tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu
Các thuốc CVPS ức chế men thromboxan synthetase, làm giảm tổng hợp thromboxan A2 cho tiểu cầu nên có tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu.
Tóm lại, các thuốc chống viêm giảm đau đều có phản ứng phụ là kích ứng dạ dày nên phải uống lúc no, một số thuốc có chống chỉ định cho các trường hợp bị hen phế quản, bị suy chức năng gan… nên khi sử dụng cần có sự tư vấn của cán bộ y tế sẽ an toàn và có hiệu quả hơn.
Theo BS.Phạm Thị Thục – suckhoedoisong.vn