Chữa lở ngứa bằng thuốc Nam
Chứng lở ngứa ngoài da Đông y gọi là sang dương. Là chứng bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi cả 4 mùa, nhưng vào hạ thì khả năng phát bệnh có chiều hướng thuận lợi hơn. Nguyên nhân sinh bệnh thường là ngoại sinh hay nội sinh. Nguyên nhân ngoại sinh xảy ra do các yếu tố như phong, thấp nhiệt, liên kết với nhau, khi yếu tố nào nổi trội hơn cả thì biểu hiện triệu chứng của nguyên nhân đó rõ ràng hơn.
Hoa kinh giới.
Còn nguyên nhân nội sinh là do giữa nội tạng và da có quan hệ mật thiết thông qua hệ thống kinh lạc, nên mỗi khi có sự rối loạn bên trong đều được phản ánh ra ngoài da. Trong Nội kinh có nói: Da lông thuộc phế, cơ nhục thuộc tỳ, những loại bệnh có biểu hiện triệu chứng đau hoặc lở ngứa đều thuộc về tâm. Như vậy lở ngứa có quan hệ chặt chẽ với 3 tạng là phế, tỳ và tâm. Ngoài ra huyết hư hay huyết độc cũng phát sinh ra lở ngứa ở ngoài da. Tuy nhiên khi vệ sinh da kém hoặc mắc các bệnh ký sinh trùng như giun, sán cũng có thể phát sinh ngứa, lở.
Căn cứ vào những nguyên nhân bệnh chứng vừa nêu ta thấy lở ngứa ngoài da cũng biểu hiện nhiều thể bệnh khác nhau như: bôi lôi, huyết phong sang, tâm dâm sang, hỏa xích sang, huyết cam sang, hoàng thủy sang, tiền sang, giới sang, túc sang, thủ lệnh dương độc (tức là khí độc của trời nắng) do vậy mà trong biện chứng luận trị đối với chứng lở ngứa ngoài da cũng có nhiều phép khác nhau như phép giải biểu, phép trị thấp, phép thanh nhiệt, phép thông lý, phép bổ dưỡng nhưng cần phải chọn lựa phép chữa nào cho thích hợp thì mới mang lại hiệu quả.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc chữa lở ngứa để bạn đọc tham khảo và áp dụng.
Chữa lở ngứa người lớn: Vỏ gạo có gai 40g (thái tươi rồi phơi khô), ké đầu ngựa 20g (sao vàng), dây vảy ốc leo 20g (thái tươi rồi phơi khô), cỏ chỉ thiên 16g, cỏ nhọ nồi 16g, dây kim ngân 12g, ô rô nước 8g. Các vị trên cho vào ấm sắc lấy nước đặc uống ngày 2-3 lần.
Cần lưu ý khi sử dụng thang trên có thể gia giảm các vị sao cho phù hợp với từng bệnh chứng của từng người, cụ thể như sau.
– Nếu chỗ lở ngứa da khô không có mồ hôi ngoài thang cơ bản trên cần thêm hương nhu, hoa kinh giới, trắc bách diệp, nhưng phải bỏ dây kim ngân và cỏ nhọ nồi.
– Nếu chỗ ngứa chảy nước vàng cần gia sài đất.
Vòi voi.
|
– Nếu tiểu tiện dắt, nước vàng, nóng, tức bọng đái, cần gia thổ phục linh, lá cối xay, cũng loại bỏ kim ngân và nhọ nồi trong thang chính.
– Nếu phụ nữ mà có khí hư lại gia lá bạc thau, vòi voi, sài đất, cũng bỏ kim ngân và nhọ nồi.
– Nếu là người gầy yếu cần gia lá sung, lá tiết dê, dây chiều, xích đồng nam, dây tơ hồng xanh, loại bỏ kim ngân, nhọ nồi ở thang chính.
– Phụ nữ sau sinh bị lở ngứa, ăn yếu chậm tiêu, ít sữa, chân tay tê mỏi, cần gia lá sung, lá mít, nàng nàng, cây cà gai, dây chiều, hương phụ chế. Cũng bỏ kim ngân và nhọ nồi trong thang chính.
Chữa lở ngứa ở trẻ em
Có tác dụng hữu hiệu với phương này là trẻ em không giữ vệ sinh da dẻ được tốt, tắm rửa nước bẩn như ao hồ, giao nước (tức di chuyển vùng cư trú) mà phát sinh ra lở ngứa ngoài da. Phương thuốc như sau: Ké đầu ngựa 20g, vỏ gạo gai 20g, dây kim ngân 12g, dây vảy ốc 12g, sài đất 12g, dây và lá bạc thau 8g. Tất cả cho vào nồi nấu kỹ lấy nước uống, chia 3 lần trong ngày.
Lưu ý: có thể gia thêm đường hay vài khẩu mía vào sắc cùng để cho trẻ dễ uống. Nếu trẻ bị ho gà cần gia vỏ quýt lâu năm.
Cần chú ý khi tắm: Không được sử dụng xà phòng để tắm cho trẻ, cần lấy nước sạch khi tắm (nên đun sôi để nguội làm nước tắm). Có thể lấy lá sòi hay củ ráy dại rửa sạch đun kỹ lấy nước chắt vào nước sôi đã để nguội (không pha thêm nước lã) rồi cho trẻ tắm càng tốt.
Chế độ ăn kiêng: Không cho trẻ ăn tôm, cua, nhộng tằm, ớt, chuối tiêu, thịt gà, thịt chó trong thời gian chữa trị.
TheoBS. Hoàng Xuân Đại-Suckhoe&doisong