Chữa trị viêm da mùa đông
Vào mùa đông, khí lạnh làm da khô gây ra hàng loạt những bất tiện, đầu bảng là ngứa ngáy.
Làn da bị mất nước, bong tróc, thiếu mịn màng còn là nỗi khổ tâm của rất nhiều chị em. Vì mong muốn “đắp” ẩm lên da cấp tốc mà nhiều người lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Biểu hiện đầu tiên của chứng viêm da mùa đông là ngứa. Nó có thể bắt đầu từ lúc chúng ta tắm nước nóng nhiều hơn bình thường. Chưa kể, vào những ngày lạnh cao điểm, thiết bị sưởi bật lên cả ngày làm da càng thêm khô và ngứa. Ngứa, gãi lại càng ngứa.
Những chỗ do bị gãi và chà xát trở thành sần sùi, rộp lên. Nếu không phòng ngừa và chữa trị đúng cách sẽ trở thành chứng viêm da kéo dài.
Phòng ngừa và xử trí
Giữ cho da luôn có độ ẩm thích hợp, tránh tình trạng mất nước. Tốt nhất là sử dụng thuốc, mỹ phẩm làm ẩm da (chứa urê, axit salicylic…). Nồng độ thuốc phải thích hợp với vùng da bị tổn thương. Chẳng hạn, nếu bị khô da ở mặt có thể dùng những loại dầu làm ẩm dành cho trẻ em; còn nếu nứt ở gót chân thì phải sử dụng các thuốc có nồng độ urê từ 20% trở lên (có kết hợp với axit lactic càng tốt). Trước đó, để chấm dứt tình trạng ngứa ngáy, bạn có thể thử dùng những thuốc chữa ngứa như Benadryl, Cholor-Trimeton, Tavist hay Claritin… mua ngoài nhà thuốc.
Khi tắm nên tắm chanh với nước vừa đủ ấm, tuyệt đối không dùng nước quá nóng. Và dùng những loại sữa tắm không làm mất nhiều chất nhờn của da. Thậm chí không dùng sữa tắm càng tốt, hoặc chỉ dùng ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân. Ngoài ra, tránh dùng sữa tắm trên mặt ngoài như vai, đùi, bụng, lưng, tay chân…
Không nên tắm ngày nhiều lần. Tắm xong lau khô từ từ sau đó thoa da bằng vaseline hoặc các loại body lotion khắp người. Mặc áo lại cho ấm và kín.
Trong ngày, hạn chế tối thiểu số lần rửa tay chân bằng nước nóng và xà phòng. Rửa xong, tay còn ướt nước, thoa một lớp mỏng emolient lotion hay cream (bất cứ hiệu nào loại nào dễ mua). Xong, giữ da ấm và kín, tránh khô.
Không nên chà xát da với rượu, chanh, dầu xanh… Và cố đừng gãi. Bạn cũng đừng mặc đồ len trực tiếp trên da.
Đừng bao giờ quên bật máy giữ ẩm không khí. Máy điều hòa để ở nhiệt độ cao và máy sưởi ấm trung tâm làm cho nhà ấm và dễ chịu – nhưng không khí trong nhà khô và nóng có thể làm khô da và nhạy cảm, gây ngứa tróc da. Đó cũng là một dạng của viêm da. Tốt nhất hãy giữ nhà bạn ở nhiệt độ từ 20-240 C và dùng máy làm ẩm để làm ẩm không khí.
Những biện pháp triệt để hơn
Hãy ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày. Ăn no và đủ chất. Mùa đông, kể cả những người ăn kiêng cũng có thể hào phóng tặng mình những bữa có thịt, cá, trứng, sữa… vì cơ thể phải sản sinh nhiều nhiệt hơn, do đó cần nhiều thức ăn hơn. Nếu không thì vừng, lạc, bơ nhạt, dầu ôliu cũng là những lựa chọn tốt.
Uống thật nhiều nước, nhất là nước hoa quả, nước rau, nước canh hoặc nước lọc ấm. Và mặc quần áo, quấn khăn đủ ấm để hạn chế sự mất nước của da.
Có thể uống bổ sung vitamin A liều cao vì chất này có tác dụng tốt trên sự sừng hóa, nhất là ở những bệnh da có sẵn như chàm tăng sừng nứt nẻ, da vẩy cá.
Kể cả khi thời tiết mới bắt đầu “gió heo may” bạn đã cần bôi kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày. Nhớ là kem làm ẩm cho da mặt riêng, da tay riêng, body riêng và gót chân riêng. Nếu lười, dùng chung một lọ có thể một vùng da nào đó trên cơ thể bạn sẽ thiếu ẩm.
Không nên ở trong phòng điều hòa nhiệt đó quá lâu khiến da bị khô. Chai xịt nước khoáng để bổ sung nước cho da mặt cũng là thứ chị em văn phòng nên chuẩn bị sẵn để phòng thân.
Tập thể thao cho ra nhiều mồ hôi cũng giúp cho da dẻ được tươi mát, giảm khô.
Đặc biệt, bạn cần lưu ý không được dùng thuốc không rõ tác dụng, thuốc truyền miệng, xà phòng không thích hợp. Nếu có biểu hiện bị ngứa thì nên dừng ngay việc sử dụng thuốc lại.
Theo Bs Cao Lâm
Người đẹp