Thận trọng khi dùng papaverin chống co thắt
Papaverin là thuốc chống co thắt. Ðây là alcaloid lấy từ thuốc phiện hoặc tổng hợp, thuộc nhóm benzylisoquinolin. Tác dụng điều trị chủ yếu của papaverin là chống co thắt cơ trơn. Papaverin cũng gây giãn cơ trơn phế quản, đường tiêu hóa, niệu quản và đường mật.
Chỉ nên dùng papaverine khi có cơn đau do tăng nhu động ruột, dạ dày. (Ảnh minh họa).
|
Hiện thuốc có các dạng như viên nén, viên nang uống giải phóng kéo dài và thuốc tiêm. Có thể dùng papaverin uống trong hoặc sau bữa ăn, hoặc với sữa để làm giảm rối loạn tiêu hóa. Tiêm tĩnh mạch khi cần có tác dụng ngay, nhưng phải tiêm chậm trong thời gian 1 – 2 phút để tránh những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
Phải dùng papaverin một cách hết sức thận trọng cho người bệnh tăng nhãn áp. Thuốc tiêm papaverin hydroclorid được dùng dưới sự giám sát của một bác sĩ có kinh nghiệm. Thực hiện tiêm tĩnh mạch rất thận trọng vì nếu tiêm nhanh, có thể gây loạn nhịp và ngừng thở chết người. Ngừng dùng papaverin khi những triệu chứng quá mẫn gan trở nên rõ ràng (triệu chứng về tiêu hóa, vàng da), hoặc thấy có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc khi những kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi. Không dùng papaverin trong thời gian dài vì có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc. Không dùng thuốc cho người mang thai và nuôi con bú.
Mặc dù độc tính của papaverin thấp sau khi uống, nhưng đã gặp những tác dụng phụ không mong muốn do tác dụng trên các hệ thần kinh tự động và trung ương. Những tác dụng phụ về tiêu hóa, viêm gan và quá mẫn gan cũng đã được thông báo. Ngoài ra, người dùng có thể gặp các triệu chứng như đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, loạn nhịp khi tiêm tĩnh mạch nhanh; hoặc chóng mặt, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, nhức đầu. Trên hệ tiêu hóa có thể thấy buồn nôn, táo bón, chán ăn, tiêu chảy… Phải ngừng dùng papaverin khi thấy có quá mẫn gan với những triệu chứng về tiêu hóa, vàng da, hoặc có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi.
Theo Dược sĩ Hoàng Thu Thủy – SKDS