Giao lưu trực tuyến: Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ

Mời bạn đọc đặt câu hỏi tham gia chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ em” do Tuổi Trẻ Online (TTO) tổ chức lúc 8g30 sáng nay, 8-2.

Trẻ được điều trị tay chân miệng tại BV Nhi Đồng I. Ảnh: Quốc Ngọc

Bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY để đặt câu hỏi. Vui lòng gõ font chữ unicode có dấu

Bệnh nhiễm não mô cầuđã có mặt ở 5 tỉnh thành gồm TP.HCM, Hà Nội, Long An, Bình Phước và Quảng Trị. Tại TP.HCM đã có 10 ổ dịch. Đã có bệnh nhân tử vong. Trẻ em là đối tượng được khuyến cáo tiếp nhận mức độ lây lan cao, đặc biệt là trong môi trường trường học.

Những bệnh truyền nhiễm khác, như viêm màng não, viêm gan, tay chân miệng, nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng hô hấp, rubella, thủy đậu, cúm, HIV… luôn là mối lo của phụ huynh và các nhà trường, trung tâm nuôi dạy trẻ.

Bạn đọc đang có những lo lắng về thắc mắc gì về dấu hiệu nhận biết, cách phòng chống, tránh bệnh nặng, tránh tử vong, cách chăm sóc ở nhà, ở trường, ở bệnh viện, sai lầm cần tránh….cho từng căn bệnh trên để bảo vệ trẻ?

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY để gửi câu hỏi, thắc mắc đến các bác sĩ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em tham gia chương trình tư vấn:

Th.S, BS TRƯƠNG HỮU KHANH – trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM

PGS, TS  BÙI VŨ HUY – phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm ĐH Y Hà Nội

Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT – trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM

(Vui lòng gõ font chữ unicode có dấu)

        ——————————————————————————————————————————-

https://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/549/546549.jpg

Các khách mời giao lưu tại đầu cầu TP.HCM, Th.S, BS Đỗ Châu Việt (bìa trái) – trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM và BS Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm

https://images1.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/544/546544.jpg

PGS. TS  Bùi Vũ Huy – phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm ĐH Y Hà Nội (bìa trái)

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Viêm màng não thì trẻ phải có dấu hiệu ói, có phải không? Viêm màng não có sốt không? Khác với sốt ở những loại bệnh khác như thế nào?(Lục Hân, 45 tuổi, hanhanhh@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH  (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Viêm màng não đúng là có dấu hiệu sốt, ói. Ngoài ra còn có dấu hiệu đau đầu nặng hơn sẽ co giật hôn mê.

Sốt hay ói cũng thường gặp ở nhiều bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi, sốt xuất huyết.

Muốn phân biệt, cần theo dõi sát dấu hiệu sốt và ói, đa số trẻ viêm màng não các dấu hiệu này sẽ ngày càng nặng hơn. Do đó nếu trẻ có dấu hiệu sốt, ói mà ngày càng nặng dù đã điều trị thì nên đến bác sĩ nhi khoa để xem có viêm màng não không.

* Viêm màng não thường dễ gặp nhất vào thời điểm nào, môi trường nào? (Trúc Lâm, 34 tuổi, lam73@….)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Viêm màng não có thể xuất hiện quanh năm, thường gặp nhất vào thời điểm Đông – Xuân. Bệnh tập trung nhiều ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.

* Viêm màng não nói chung và viêm não Nhật Bản loại nào nguy hiểm hơn, hai bệnh khác nhau như thế nào?(Nguyễn, 36 tuổi, vanmay15@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Bộ não được bao quanh bởi nhiều cái màng, viêm màng não và viêm não là hai bệnh khác nhau. Viêm não thường để lại di chứng và tác nhân là siêu vi, trong khi viêm màng não là do vi trùng và ít di chứng hơn. Bệnh nào cũng nguy hiểm như nhau.

* Tại sao viêm não mô cầu lại nhanh tử vong? Có vắcxin cho bệnh này không? (Nguyễn Thị Nga Loan, 32 tuổi, loanngoc45@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Vi khuẩn não mô cầu gây ra nhiều loại bệnh từ nhẹ đến nặng, ở trẻ em thường gặp nhất là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Hai loại bệnh này thường diễn tiến nặng và có khả năng tử vong.

10-20% nhiễm khuẩn huyết thể tối cấp sẽ gây suy hô hấp và suy tuần hoàn, tử vong nhanh nếu phát hiện và điều trị trễ.

Hiện nay đã có vắcxin phòng ngừa bệnh viêm não mô cầu, các bạn có thể liên hệ với viện Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi đồng I, II để chích ngừa.

* Theo người quen của tôi có con mắc viêm não mô cầu thì triệu chứng ban đầu không khác gì viêm họng, đến khi có dấu hiệu ói thì đã không còn kịp nữa. Vậy làm sao chúng tôi có thể trở tay kịp trong khi viêm họng có thể chữa trị tại nhà? (cha me, 34 tuổi, chameyeucon@….)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Từ chính xác không phải là viêm não mô cầu mà là nhiễm não mô cầu (“viêm não” là từ một số phương tiện thông tin đã dùng nhầm).

Triệu chứng ban đầu đúng là viêm họng do vi khuẩn này cũng có thể gây viêm họng và rất nhạy cảm với kháng sinh. Do vậy nếu viêm họng do não mô cầu thì chỉ cần uống kháng sinh sẽ khỏi. Điều quan trọng là có một số trẻ do sức đề kháng hay không điều trị viêm họng kịp thời, vi khuẩn này mới tấn công vào máu gây ra bệnh cảnh nặng hơn như nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Do đó nếu trẻ ban đầu viêm họng (nóng, ho, sổ mũi) ta cần theo dõi ngay. Nếu trẻ sốt cao li bì, nôn ói và đặc biệt là ở da xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết thì nên đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời vì lúc này trẻ có khả năng bị nhiễm trùng huyết do não mô cầu.

* Bệnh não mô cầu, có vắcxin ngừa không? Nếu được tiêm ngừa, thì trẻ có thể chống lại bệnh não mô cầu không? (Đào Nữ Minh Loan, 30 tuổi, dnmloan0604@….)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Bệnh não mô cầu đã có vắcxin ngừa từ lâu. Từ 2 tuổi trở lên có thể đưa bé đi tiêm ngừa, mỗi 3 năm chích nhắc 1 lần. Khi tiêm ngừa, trẻ có khả năng chống lại bệnh não mô cầu.

* Xin bác sĩ cho biết khi trẻ viêm họng vào mùa này, có phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện không hay có thể chăm sóc tại nhà? (hailua, 30 tuổi, hailua@…)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Viêm họng là bệnh thường gặp ở trẻ em, mùa nào cũng vậy mùa lạnh thì dễ bệnh hơn, đây là bệnh lành tính có thể điều trị tại nhà không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay.

Chỉ khi nào bé sốt cao không hạ hay bỏ ăn, co giật hoặc đã điều trị ba ngày mà không bớt hãy đến bệnh viện. Bệnh này có thể điều trị tại địa phương, y tế phường, xã, huyện.

* Con gái tôi hơn 3 tuổi rưỡi. Bé đã tiêm ngừa viêm não mô cầu A C tại BV Nhi Đồng 2. Được biết ở VN cũng có vắcxin ngừa viêm não mô cầu B C, nhưng không biết tại TP.HCM thì tiêm ở đâu?

Xin hỏi thêm bé đã tiêm ngừa như thế thì có thể yên tâm hoàn toàn không vì qua báo chí tôi thấy viêm não mô cầu do nhiều type virus gây ra. Xin chân thành cảm ơn. (Hà Phạm Anh Thư, 33 tuổi, phuwaco@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Tại Việt Nam đã có vắcxin ngừa viêm não mô cầu B C. Bạn có thể đưa con đến chích ở các trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện. Bất kì loại thuốc chích ngừa nào cũng không thể ngừa 100% và não mô cầu cũng vậy, bệnh viêm não mô cầu do có nhiều type virut nên không chỉ mắc bệnh một lần.

* Như thế nào gọi là ổ dịch viêm não mô cầu, nếu trong lớp học có một trẻ bị thì chúng tôi phải làm gì để bảo vệ con, nhà trường phải làm gì? (Vân Ánh, 38 tuổi, trantrongmien@…)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Ổ dịch nhiễm não mô cầu (chứ không phải viêm não mô cầu) là khi trong cùng một gia đình, lớp học, khu vực công nhân sinh hoạt và làm việc chung có 2 trường hợp xác định là nhiễm não mô cầu mà hai trường hợp này cách nhau 24 tiếng.

Khả năng xuất hiện ổ dịch nhiễm não mô cầu là rất khó. Tuy nhiên việc khống chế cũng rất dễ. Nếu chúng ta phát hiện sớm ca đầu tiên và cho những người có tiếp xúc gần với ca bệnh này dùng một liều kháng sinh đặc hiệu sẽ diệt được tất cả vi khuẩn não mô cầu tồn tại trong họng những người tiếp xúc. Việc này sẽ được điều trị theo hướng dẫn của trung tâm y tế dự phòng.

* Bệnh viêm họng, viêm não mô cầu, tay chân miệng không nổi mụn nước có biểu hiện bệnh gần giống nhau. Xin bác sĩ chỉ phát hiện 3 bệnh trên ở giai đoạn mới phát bệnh và cách xử lý? (Đoàn Thanh Thủy, 33 tuổi, thuydoan_4323@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Viêm họng là bệnh thông thường ở trẻ em, có nhiều tác nhân gây bệnh viêm họng trong đó có vi khuẩn não mô cầu, nếu trẻ có tiếp xúc gần với người bị bệnh não mô cầu thì cần tầm soát và điều trị não mô cầu.

Bệnh tay chân miệng không có biểu hiện hồng ban, bóng nước hoặc loét họng chỉ chiếm tỉ lệ rất ít, những trường hợp này gây nhiều khó khăn không chỉ cho người dân mà cho cả nhân viên y tế.

Ngoài những biểu hiện hồng ban, bóng nước, trẻ còn có  những biểu hiện về thần kinh, tim mạch. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

* Thế nào là bệnh viêm màng não mũ, và bệnh não mô cầu? Có phải hai bệnh này là một không? Con tôi hiện nay 23 tháng tuổi đã chích ngừa bệnh viêm màng não mũ có cần chích ngừa bệnh não mô cầu nữa không?(Lê Thị Hằng, 28 tuổi, hplehang@…)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Viêm màng não mủ là bệnh do vi trùng sinh mủ tấn công vào màng não, đây là bệnh rất nguy hiểm.

Vi trùng não mô cầu cũng là một tác nhân gây viêm màng não mủ nhưng trẻ viêm màng não mủ do vi trùng não mô cầu ít gặp hơn và dễ điều trị hơn các tác nhân khác.

Các chuyên gia khuyên rằng không cần thiết phải chích ngừa não mô cầu khi không có dịch, chỉ nên chích cho các đối tượng miễn dịch kém và khi có dịch.

* Tôi ở An Giang, có cháu 8 tháng tuổi. Khoảng 5 ngày nay bé bị nổi mẩn đỏ ở vùng mông, khuỷu tay, đầu gối và nổi bóng nước ở bàn chân, bàn tay nhưng không bị sốt cao. Tôi đã đưa bé đi bệnh viện Đa khoa An Giang khám. Bác sĩ nói bé bị viêm da và cho thuốc về uống. Buổi chiều sau khi uống thuốc bé bị ói (bé bú sữa ngoài).

Tôi đưa bé đi khám lại thì bác sĩ cho thử máu, nói bé chỉ mới bị cấp độ 1 (kiểm tra trong miệng không phát hiện bóng nước hay mụn). Xin hỏi, như vậy bé có bị bệnh tay chân miệng? Mong được sự trả lời của bác sĩ. Chân thành cảm ơn! (Vũ Kim Thoa, 29 tuổi, vukimthoa.vn07@… )

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT: Bệnh tay chân miệng điển hình sẽ có những hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối, có những vết loét ở trong miệng. Tuy nhiên, có những trường hợp không điển hình, chỉ cần có một trong những biểu hiện như vậy thì có thể chẩn đoán tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng có 4 mức độ, từ mức độ 2 là phải nằm bệnh viện để được chăm sóc và điều trị. Con của bạn được bác sĩ chẩn đoán mức độ 1 nên có thể điều trị tại nhà và theo dõi sát, có dấu hiệu nặng cần phải tái khám ngay.

* Nếu con tôi bị trái rạ sẽ có những biểu hiện đầu tiên nào? Làm sao để chăm sóc bé không để lại sẹo?(HOÀNG, 28 tuổi, ngochoanglan@…)

PGS- TS BÙI VŨ HUY (Phó chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, ĐH Y Hà Nội): Những biểu hiện đầu tiên của bệnh thường là biểu hiện quấy khóc, khó chịu, chán ăn, mệt mỏi, hắt hơi, chảy nước mũi. Tuy nhiên ở các cháu lớn hơn (trên 3 tuổi) có thể các cháu biết phàn nàn về tình trạng trên.

Tiếp theo, các cháu có biểu hiện sốt, thường là sốt cao (39-40 độ C), 1-2 ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước ban đầu nhỏ như các loại ban thông thường, sau vài giờ bắt đầu tạo thành phỏng nước, ấn thấy mềm, 2-3 ngày sau phỏng nước vỡ và đóng vẩy. Các vẩy sau đó sẽ tự bong.

Nói chung bệnh trái rạ thường diễn biến trong vòng 7 ngày và tự ổn định. Tuy nhiên trong những trường hợp sức đề kháng kém, chế độ dinh dưỡng và vệ sinh chưa tốt, có thể có 1 số biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy, và viêm da, thậm chí trẻ có thể mắc viêm não.

Ở câu hỏi của chị, để tránh để lại sẹo trên da, chị nên thường xuyên vệ sinh thân thể, đảm bảo dinh dưỡng cho cháu. Khi cháu bị trái rạ chị cần đến khám bệnh để được tư vấn thêm, như ngoài vệ sinh có một số loại thuốc bôi ngoài da tránh nhiễm trùng như Xanh Mêtylen.

* Khi con tôi bị tay chân miệng, tôi thấy em bé rất đau, tôi còn một cháu nhỏ sợ cũng lây, cho hỏi ngoài thuốc ra còn có mẹo hay kinh nghiệm gì để giúp trẻ bớt đau miệng, ăn được không(Trâm Anh, 26 tuổi, anhhoalong@…)- BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng có vết loét trong miệng thì sẽ gây đau nhiều làm trẻ bỏ ăn, chảy nước miếng, quấy khóc.

Muốn giảm đau nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, hơi mát hay lạnh (ví dụ: sữa trước khi cho trẻ uống nên làm lạnh) tránh ăn thức ăn nóng, cay, chua.

Hiện nay có thể dùng các thuốc giảm đau dạng nước để dễ uống, dùng các loại thuốc băng dạ dày dạng Gel chấm vào vết loét ở miệng sẽ giảm đau, tuy nhiên các thuốc này nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

* Bác sĩ cho biết, bệnh viêm xoang có di truyền không, và trẻ em có bị viêm xoang không? (do thi tuyet trinh, 34 tuổi, trinhdo772@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Trẻ em vẫn có thể bị viêm xoang. Viêm xoang có di truyền hay không vẫn chưa có bằng chứng xác minh. Tuy nhiên có một số cơ địa rất dễ bị viêm xoang, đặc biệt là những trẻ có cấu trúc bất thường về xương sọ.

* Bệnh viêm màng não có thuốc tiêm ngừa chưa và giá loại thuốc này có đắt không? Biểu hiện ban đầu của bệnh này là gì? (Dương Thị Ngọc Vy, 31 tuổi, duongvy28@… )

– BS Trương Hữu Khanh: Bệnh viêm màng não do nhiều tác nhân khác nhau, một số tác nhân đã có vắc xin và cũng không quá đắt so với hiệu quả phòng bệnh. Nếu có con nhỏ nên có kế hoạch chủng ngừa phòng bệnh từ khi trẻ 2 tháng tuổi. Để biết số lần chích và loại vắc xin gì nên liên hệ các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện.

Biểu hiện ban đầu của viêm màng não là sốt đau đầu, nôn ói, cổ cứng, trẻ nhỏ dưới 12 tháng có thể có thóp phồng.

* Bé nhà em được 25 tháng, bé đi học nhà trẻ rất hay bị viêm họng, ho, sổ mũi có những đợt bé phải uống kháng sinh hơn hai tháng liên liên tục. Cho bé uống nhiều vậy có ảnh hưởng gì tới sức khỏe sau này không? Cách để mình phòng bệnh tốt cho bé là như thế nào? Chân thành cám ơn! (NGUYỄN THỊ THÚY, 29 tuổi, NTTHUYCANTHO@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Trẻ mới đi học rất dễ bị bệnh do lây nhiễm. Khi mắc bệnh, trẻ nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc uống nhiều không phải là tốt, kể cả thuốc bổ, nhưng nếu uống theo chỉ định của bác sĩ thì không cần phải lo lắng. Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

* Trong gia đình có người viêm gan thì trẻ có dễ lây không? Trẻ viêm gan có dấu hiệu giống người lớn không?(Phạm Thị La, 35 tuổi, maunang@…)

PGS, TS  BÙI VŨ HUY (phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm ĐH Y Hà Nội): Cho đến nay khoa học đã xác dịnh có nhiều loại virus viêm gan khác nhau, như virus gây viêm gan A, B, C, D, E… Trong số này có loại lây theo đường tiêu ho như virus viêm gan A và E. Virus viêm gan B, C, D lây theo đường máu, đường tình dục, hoặc qua nhau thai.

Vì vậy, nếu trong gia đình có người bị viêm gan A, E sẽ dễ có tình trạng lây lan trong gia đình qua đường tiêu hoá (thực phẩm, chén bát ăn, tay chân không vệ sinh). Viêm gan B, C, D dễ lây sang trẻ em nhất là qua bánh nhau (trong quá trình mang thai).

Trẻ em viêm gan có biểu hiện lâm sàng tương tự như người lớn. Tuy nhiên diễn biến bệnh ở người lớn thường hay tái phát, kéo dài.

* Con tôi 9 tháng tuổi, bị sổ mũi hơn một tháng nay, gần đây bị ho. Đi khám ở BV Nhi đồng 1, BS bảo bị viêm mũi họng và cho uống kháng sinh. Đến nay cháu uống thuốc đã hơn nửa tháng nhưng vẫn không khỏi. Liệu cháu có mắc bệnh nhiễm trùng nào không? Mẹ cháu cũng đang bị viêm họng và ho hơn 10 ngày nay chưa khỏi, liệu có lây bệnh cho cháu không? Cảm ơn BS! (Khải Trần, TP.HCM)

– BS TRƯƠNG HỮU KHANH: Theo mô tả bé có khả năng bị viêm mũi dị ứng và sổ mũi thì chỉ do viêm hô hấp trên thôi chứ không có bệnh nhiễm trùng gì khác. Việc điều trị viêm mũi cho trẻ ngoài kháng sinh khi cần thì việc chăm sóc giữ ấm, là sạch và thông thoáng mũi, tránh tiếp xúc với khói bụi là rất quan trọng.

Nếu mẹ bị viêm họng sẽ lây cho bé, khi tiếp xúc hay chăm sóc trẻ mẹ nên mang khẩu trang.

* Xin bác sĩ cho biết triệu chứng của viêm não mô cầu biểu hiện như thế nào và làm thế nào để phòng ngừa?  Bệnh trái rạ thường xuất hiện vào tháng nào? Trẻ đã chích ngừa trái rạ thì có mắc bệnh trái rạ nữa không? Cảm ơn bác sĩ. (Hương, 28 tuổi, banglangtim_167@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Triệu chứng của viêm màng não do não mô cầu bao gồm: Sốt cao đột ngột liên tục, đau nhức mình mẩy, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, co giật, li bì hoặc hôn mê. Có thể có những xuất huyết ngoài da có màu tím hay đỏ thẩm, kích thước từ vài mm đến vài cm, hoại tử ở trung tâm hoặc không.

Biện pháp phòng ngừa: Cách ly với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh răng miệng, vệ sinh môi trường và chích ngừa là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh trái rạ thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6. Khi chích ngừa trái rạ trẻ vẫn có thể bị mắc với tỉ lệ là 10 đến 20%, nhưng khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.

* Trẻ có dễ nhiễm cúm gia cầm không? Có các loại virus cúm nguy hiểm nào, loại nào nguy hiểm nhất?(Mộc mạc, 54 tuổi, maccananh@….)

– PGS- TS BÙI VŨ HUY (Phó chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm, ĐH Y Hà Nội): Nói chung trẻ em cơ thể còn non yếu, chưa phát triển hoàn thiện như người lớn, ví dụ về sức đề kháng với bệnh tật chưa đầy đủ, vì vậy các cháu dễ nhiễm bệnh hơn người lớn và khi bệnh cũng thường nặng hơn người lớn. Các loại virus cúm đều nguy hiểm với trẻ em vì dễ có biến chứng và tỷ lệ tử vong cao hơn người lớn.

Về virus cúm gia cầm, theo tôi hiểu chị muốn nói đến virus cúm H5N1 (ở người là virus cúm H3N1, H1N1) loại virus này lây từ gia cầm sang như từ gà, vịt. Nói chung nguy cơ nhiễm cúm gia cầm ở trẻ em và người lớn là như nhau và tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-70%, thậm chí cao hơn. Vì vậy khi có gia cầm chết không rõ nguyên nhân, cần thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, tuyệt đối không chế biến và ăn gia cầm ốm, chết.

* Hiện đã có vắcxin phòng bệnh nhiễm não mô cầu nhóm B chưa? Theo thông tin, hầu như các bệnh nhân bị viêm não là nhiễm não mô cầu nhóm B? Con tôi đã 5 tuổi nhưng vẫn chưa chích ngừa nhiễm não mô cầu nên tôi đang rất hồi hộp. Xin BS tư vấn. (Phan Thị Thanh Tùng, 32 tuổi, nhimcon040681@… )

– BS TRƯƠNG HỮU KHANH: Vi khuẩn não mô cầu có nhiều nhóm, trong đó nhóm B rất khó điều chế vắcxin. Tuy nhiên hiện đã có 1 loại vắc xin phòng nhóm B do Cuba sản xuất.

Theo hướng dẫn của các chuyên gia thì việc chích vắc xin não mô cầu (nhóm vắcxin hiện có ở Việt Nam) chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Nếu bé 5 tuổi thì có thể chích được vắcxin này.

* Làm sao để trẻ không bị bệnh thủy đậu (trái rạ)? Tiêm phòng ở tháng thứ mấy sẽ phòng được bệnh này và có tuyệt đối được không?(QUANG TÙNG, 33 tuổi, letranquangtung@….)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Không có gì là tuyệt đối. Sau khi tiêm ngừa vẫn có thể bị mắc bệnh. Từ tháng thứ 12 trở đi trẻ nên tiêm ngừa thủy đậu, khoảng 10% sau tiêm ngừa có thể mắc bệnh nhưng ở mức độ nhẹ.

* Con tôi được 27 tháng tuổi. Khoảng hơn tháng gần đây cháu bị ho, sổ mũi xanh, hâm hấp sốt, có khi nóng trên 38 độ C. Đến BS khám cho uống thuốc thì giảm nhưng cứ tái đi tái lại nhiều lần. Hiện cháu cũng đang bị các triệu chứng trên. Xin hỏi cháu bị gì và chữa trị như thế nào? Nếu uống thuốc liên tục và bị như vậy hoài thì có ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu không?

Tạm thời, tôi không cho cháu uống thuốc nữa mà chỉ cho uống mật ong sáng, chiều và giữ ấm cho cháu. Buổi tối ngủ cháu ra mồ hôi rất nhiều, ho lúc nửa khuya trở vế sáng và sụt cân thấy rõ. Rất mong sự tư vấn của các BS. Chân thành cảm ơn và kính chúc sức khoẻ. (Lưu Thi Cẩm Tú, 29 tuổi, kyquan@…)

– BS TRƯƠNG HỮU KHANH: Nếu đúng bé sốt cả tháng nay và có kèm ho, sụt cân thì nên cho bé đi chụp X quang phổi để loại trừ lao.

Việc uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ thì không cần thiết phải quá lo lắng về việc uống thuốc vì đa số bác sĩ nhi khoa đều cho trẻ uống thuốc đúng liều và khi cần.

Đối với trẻ nhỏ việc điều trị bệnh đường hô hấp ngoài dùng thuốc thì giữ ấm, uống nhiều nước, môi trường sinh hoạt cần thông thoáng tránh khói bụi, thuốc lá rất quan trọng.

* Nếu ở trường học có trẻ nhiễm HIV thì con chúng tôi cần được tuyên truyền như thế nào để không bao giờ có thể bị nghi lây nhiễm?(Nguyễn Lan, 45 tuổi, lananhdep@…)

* HIV lây truyền từ 3 đường chính. Nếu trong gia đình có người bị nhiễm HIV mà người đó vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường với những người trong gia đình thì mức độ lây nhiễm có cao không? Nếu có thì làm cách nào để phòng tránh tốt nhất?(Dương Thị Thúy Hằng, 35 tuổi, hangduong7578@…)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Nếu một trẻ bị nhiễm HIV và được phát hiện từ cơ quan y tế thì sẽ được điều trị và theo dõi theo chương trình của quốc gia.

Đa số trẻ nhiễm HIV nếu được điều trị thuốc sau 6 tháng sẽ giảm rất nhiều khả năng lây lan cho trẻ khác vì lúc này lượng vi rút trong máu còn rất thấp.

Việc tuyên truyền lây bệnh cần thực hiện khi trong lớp học không có hay chưa phát hiện trẻ nhiễm HIV vì bệnh này cách phòng ngừa đơn giản như: không tiếp xúc với máu, không để kim tiêm đâm vào tay. Và đây là cách phòng ngừa của nhiều bệnh khác như viêm gan B, C.

Nếu gia đình có người bị nhiễm HIV thì không cần thiết phải cách ly vì sinh hoạt ăn uống chung: bắt tay, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa chung không thể lây HIV được. Cách phòng ngừa tốt nhất là đừng để máu của người nhiễm HIV tiếp xúc với da bị trầy sước của người lành. Hiện nay người nhiễm HIV nếu được dùng thuốc thì khả năng lây cho người khác rất thấp.

* Bé nhà tôi 18 tháng, chưa chích ngừa thủy đậu. Trong nhà có người vừa phát bệnh thủy đậu 2 ngày trước và đã cách ly. Xin cho biết bé có nguy cơ mắc bệnh không? Bây giờ chích ngừa cho cháu có kịp không? Và làm thế nào để hạn chế lây lan. Xin cảm ơn.(An, 28 tuổi, lacan0504@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Trong nhà có người bị thủy đậu và bạn đã cách ly là đúng.

Tuy nhiên thời gian ủ bệnh của thủy đậu kéo dài từ 3 – 7 ngày và trong giai đoạn này bệnh đã có khả năng lây chứ không phải đợi đến lúc phát ra mới lây. Con bạn chưa chích ngừa thủy đậu sẽ có khả năng bị lây nhiễm trong lúc này, chờ thêm khoảng 2 tuần nếu không có biểu hiện nào đặc biệt có thể đi chích ngừa.

* Vắccin cúm thực sự có tác dụng không? Cúm có được xem là bệnh nguy hiểm? (Hoàng Gia, 35 tuổi, gialang@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Vắcxin cúm có tác dụng, cần chích nhắc mỗi năm. Cảm cúm là bệnh thông thường ở trẻ em, nếu có biến chứng thì rất nguy hiểm, vì vậy nên chích ngừa nếu có thể.

* Con em 21 tháng tuổi chích ngừa bệnh tay chân miệng, viêm màng não và não mô cầu được chưa?(nguyễn ngọc diễm phương, 28 tuổi, diemcj@…)

BSTRƯƠNG HỮU KHANH: Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa, viêm màng não do HIB nên chích ngừa còn não mô cầu A,C chỉ có hiệu quả khi trẻ trên 2 tuổi.

* Xử lý tại chỗ khi nghi ngờ trẻ nhiễm viêm não mô cầu (lam Son, 38 tuổi, lamson38@)

 – BS ĐỖ CHÂU VIỆT: Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm não mô cầu (do có tiếp xúc với người bị bệnh) đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tầm soát và phòng ngừa. Làm vệ sinh nhà cửa bằng những dung dịch tẩy rửa thông thường.

* Con tôi 27 tháng tuổi và 4 tuổi đã chích ngừa viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu A,C, như vậy có bị lây từ trẻ khác học cùng lớp không?

Các cháu cũng bị bệnh tay chân miệng loại 2a năm ngoái thì năm nay khi dịch trở lại có bị nhiễm bệnh nữa không? Tôi thực sự rất lo lắng không biết khi nào các dịch bệnh truyền nhiễm kia mới được hạn chế?(Nguyễn Thị Mộng Thùy, 34 tuổi, mohong1979@…)

BSTRƯƠNG HỮU KHANH: Cả hai bé cần phải chích ngừa thêm viêm màng não do HIB vì bệnh này thường mắc hơn hai bệnh mà chị đã tiêm ngừa cho bé.

Viêm não Nhật Bản và não mô cầu A, C cần phải chích nhắc lại đúng lịch. Trẻ bị tay chân miệng vẫn có thể mắc lại do vậy việc phòng ngừa bằng vệ sinh ăn uống phải thực hiện thường xuyên và đặc biệt là rửa tay cho trẻ và kể cả người chăm sóc trẻ. Muốn bệnh truyền nhiễm hạn chế thì tất cả mọi người cùng phòng ngừa chứ không phải riêng ngành giáo dục và y tế có thể làm được.

* Trong các loại bệnh trên, bệnh nào có tỷ lệ tử vong cao nhất, bệnh nào có tỷ lệ trẻ mắc nhiều nhất, trẻ ở xứ lạnh thường mắc loại bệnh gì, ở xứ nóng thường bị gì(Ông Hoàng, 56 tuổi, hoangdalat@)

* PGS-TS Bùi Vũ Huy: Như đã trả lời trong các câu hỏi trên, bệnh cúm gia cầm là nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong rất cao, vì loài người chưa có đáp ứng miễn dịch với các loại virus cúm này (ví dụ nếu cúm ở người như H1N1, H3N2 thì người lớn đã có khả năng đề kháng tuy chưa đầy đủ).

Tình trạng mắc các bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

  • Điều kiện vệ sinh
  • Điều kiện dinh dưỡng của cá nhân
  • Sức đề kháng của cơ thể
  • Đường xâm nhập vào cơ thể của bệnh (lây theo đường hô hấp nhanh hơn các đường lây truyền khác)
  • Thời tiết
  • Căn nguyên gây bệnh đang phổ biến tại địa phương
  • Một số yếu tố khác

Ở VN, các bệnh dịch kể trên luôn là nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng, Để tránh mắc bệnh, cần chú ý các yếu tố trên, đặc biệt cần phòng bệnh như tiêm chủng , đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh khi dịch bệnh xảy ra.

* Con gái tui năm nay 2 tuổi, ở phía sau ót bên trái co 2 hạch nhỏ bằng hạt đậu. Xin hỏi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cháu không? Chân thành cảm ơn câu trả lời của BS.(Trần Trọng Thủy, 38 tuổi, trongthuytv@)

* Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT; Ở trẻ em co rất nhiều chuỗi hạch sau cổ, nếu bị viêm nhiễm vùng đầu, mặt, cổ thì các hạch này sẽ sưng to hơn. Khi hết viêm nhiễm thì các hạch này rất lâu sau mới nhỏ lại. Cần phải loại trừ những bệnh nguy hiểm trước khi có kết luận là bình thường. Nên đưa con bạn đi khám.

* Xin cho hỏi giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em? Các con phải đến lớp cùng các bạn do ba mẹ bận công việc thì cần chế độ dinh dưỡng như thế nào để tăng sức đề kháng cho trẻ?(Xuân Vũ, 37 tuổi, xuanvu0276@…)

PGS, TS  BÙI VŨ HUY (phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm ĐH Y Hà Nội): Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý các điểm chính:

+ Tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của ngành y tế

+ Luôn đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng đầy đủ

+ Khi có dịch cần đảm bảo cách ly với nguồn bệnh (người bị bệnh, khu vực có dịch)

+ Phòng bệnh cần lưu ý các yếu tố trên, chứ không phải riêng vấn đề dinh dưỡng.

* Bác sĩ Việt vừa nói ngoài vắc xin ngừa viêm não mô cầu A C, hiện tại đã có vắc xin ngừa viêm não mô cầu B C nhưng trong sổ khám bệnh của trẻ thì không có tên, thời điểm bé có thể chích vắc xin này, nên ông có thể cho biết trẻ bao nhiêu tháng thì chích B C?

Con tôi 2 tuổi, vừa chích 1 mũi viêm não mô cầu A C xong, đã chích não mô cầu A C thì có cần chích B C nữa không?” (Mẹ ISA, 35 tuổi, hongnhungnt@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT: Đúng là trong sổ khám bệnh không có nhắc đến chích ngừa viêm não mô cầu B C. Theo khuyến cáo của công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) thì thuốc chích ngừa viêm não mô cầu B C được áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, chích 2 liều cách nhau 6 đến 8 tuần và không cần nhắc lại. Nếu có điều kiện nên chích thêm viêm não mô cầu B C.

* Xin bác sĩ cho biết, khi mẹ bị bệnh viêm gan siêu vi B thì có lây nhiễm cho con khi sinh hay không? Những biểu hiện và bệnh lý của trẻ khi bị nhiễm. Cần những xét nghiệm gì để biết trẻ bị gan. Trẻ bị bệnh viêm gan nguy hiểm như thế nào và khi trẻ bị bệnh thì điều trị ở đâu?(Nguyễn Trà Giang, 40 tuổi, tragiangqng@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆ: Mẹ bị viêm gan B có thể lây nhiễm cho con khi sinh. Khi vừa sinh ra, trẻ cần được tầm soát viêm gan B và điều trị nếu có.

Nếu con bạn chưa làm thì đưa đến cơ sở y tế (bệnh viện nhi) để được tầm soát. Trẻ bị viêm gan có thể diễn tiến thành xơ gan và ung thư gan, vì vậy cần chích ngừa và điều trị khi mắc bệnh.

* Con tôi đã bị tay chân miệng hồi 16 tháng, nay cháu được hơn 18 tháng và nặng 13.5kg. Tôi gửi cháu cho bà gần nhà coi giùm, nhưng hiện nay cháu của bà bị tay chân miệng đang nằm viện được 10 ngày. Tôi không kiếm được chỗ gửi mới nên vẫn gửi bà đó coi con.

Xin hỏi bác sĩ giờ tôi phải làm gì để bé nhà tôi không bị tay chân miệng? Tôi vệ sinh bé rất kỹ, rửa chân tay, đồ chơi bé sạch sẽ. Và bà giữ trẻ cũng đã vệ sinh nhà, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B rồi. (Phạm Thị Thu, 28 tuổi, thu_socialworker@…)

– PGS, TS  BÙI VŨ HUY (phó chủ nhiệm bộ môn nhiễm ĐH Y Hà Nội): Bệnh tay chân miệng muốn nói lên tình trạng bệnh có sốt và phát ban ở tay, chân, miệng trẻ. Bệnh này do 1 số virus gây nên, như EV 71, Coxsackie… Con chị vẫn có nguy cơ mắc lại nếu tiếp xúc với các virus khác nhau.

Trong câu hỏi của chị, bà trông trẻ đã gửi cháu đi điều trị tại bệnh viện, đây cũng là phương pháp để cách ly, đồng thời thực hiện vệ sinh nơi ở và đồ chơi, đồ đạc là góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh cho con chị. Vì vậy, chị cũng có thể yên tâm phần nào. Tuy nhiên khi có bệnh dịch xảy ra, các gia đình nên báo cho cơ sở y tế để có biện pháp hỗ trợ phòng bệnh triệt để hơn.

* Tôi có con 5 tuổi và rất mơ hồ về bệnh rubella, xin giúp tôi hiểu về bệnh này và cách để phòng ngừa cho con mình. (Bình Minh, 33 tuổi, Minhhongnt@…)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I TP.HCM): Bệnh rubella đối với trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi thì rất lành tính chỉ lo ngại rubella ở phụ nữ mang thai.

Phòng ngừa rubella rất đơn giản bằng cách chích vắc xin và vắc xin này cũng không quá đắt.  Cách đây vài năm cũng đã xuất hiện ổ dịch rubella ở cách nhà máy và khu sinh viên nhưng cũng đã được khống chế.

* Tôi nghe đài báo nói muốn phòng trị bệnh tay chân miệng thì phải rửa tay cho các cháu bằng xà phòng trước khi ăn. Thế nhưng tại các quán ăn, nhà hàng hiện nay, đa phần lại không có xà phòng và nước rừa tay diệt khuẩn. Cho hỏi nếu không có xà phòng thì dùng thuốc hay chất nào khác để diệt khuẩn? Chẳng lẽ đi đâu tôi cũng phải mang cục xà phòng theo để ngừa bệnh cho con sao?(Tran Duc, 45 tuổi, dongthapmuoi@…)

– Th.S, BS ĐỖ CHÂU VIỆT (trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng II TP.HCM): Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là một thói quen bắt buộc. Không phải chỉ mục đích là phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà còn phòng được các loại bệnh khác. Bạn có thể sử dụng các dung dịch rửa tay nhanh không nhất thiết phải mang theo cục xà phòng.

TTO thực hiện