Dinh dưỡng cho người nhiễm HIV đang dùng thuốc ARV

Ở người bị nhiễm HIV, dù chưa hoặc đang điều trị thuốc ARV, phần lớn có cơ thể khá gầy, cơ teo do bị virus tấn công tất cả các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, do có 1 số bệnh nhiễm trùng kèm theo, hay ăn không thấy ngon miệng hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của các bệnh nhân này thường hay bị bỏ qua. Mệt, ăn không ngon miệng thì không ăn nhưng bỏ ăn khiến sức khỏe họ ngày càng suy yếu. Vì vậy, trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV chết vì suy dinh dưỡng không hiếm. “Với vòng lẩn quẩn trên, vô tình người bệnh đã bỏ qua cơ hội tiêu diệt virut từ các thuốc điều trị, hoặc góp phần hạn chế sự hấp thu thuốc nếu chế độ dinh dưỡng trong thời kì này không được quan tâm đúng”, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định.

Năng lượng tăng 20% so với bình thường

Ở người bị nhiễm HIV, năng lượng cung cấp cho cơ thể luôn cao so với bình thường khi chưa bị nhiễm. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, năng lượng này sẽ tăng từ 5-20% so với khi chưa nhiễm.

Trong thực đơn ăn uống hàng ngày, bệnh nhân nhiễm HIV chưa hoặc đang điều trị thuốc ARV nên ăn uống cân đối và đa dạng 4 nhóm thực phẩm: bột đường; chất đạm; chất béo; vitamin và khoáng chất.

Theo đó, hàm lượng nhóm bột đường chiếm 65 -70% tổng năng lượng trong ngày. Chú ý chọn những chất bột đường chuyển hóa chậm như nui, mì, khoai.

Chất béo đạm: khuyến nghị bệnh nhân nên ăn không quá 20% trong 1 ngày. Hạn chế ăn các loại chất béo bão hòa như mỡ, da gà, da vịt, bơ…nhằm tránh tình trạng nhóm thực phẩm này gây hạn chế sự hấp thu thuốc.

Vitamin: bệnh nhân bị nhiễm HIV hầu hết thường hay thiếu sắt vì vậy nên ăn những món ăn và thực phẩm hấp thu sắt tốt như cà chua, cam, bưởi, 1 loại dưa muối làm từ rau tươi (nhưng không mặn). Nên uống bổ sung đa vi chất cho những người bệnh thường hay biếng ăn.

Những lưu ý hỗ trợ cho nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh

Như đã nói, người nhiễm HIV đang uống thuốc ARV thường hay có triệu chứng giống ốm nghén. Vì vậy, nên chia nhỏ bữa ăn cho người bệnh và cho ăn nhiều lần.

Khi mệt không muốn ăn, người bệnh có thể uống các loại bột ngũ cốc hoặc ăn các loại hạt chứa chất béo không no như đậu phộng, đậu nành… hay các loại bánh quy.

Nên nếm thức ăn phù hợp, ít gia vị để tránh tình trạng bệnh nhân cảm thấy ngán mùi.

Hãy ăn khi thức ăn còn ấm để tạo cảm giác hấp dẫn và đỡ ngán.

Có thể ăn theo khẩu vị để tăng số lượng thực phẩm được dung nạp.

Cần linh động và đa dạng món ăn để kích thích người bệnh thèm ăn, thay vì chế biến món thịt kho thì có thể làm món súp. Với những món súp dạng lỏng, được xay nhuyễn có thể làm người bệnh dễ ăn mà không bị ngán. Ví dụ: hôm nay cho ăn súp thịt bò (thịt heo, gà) hầm với đậu trắng, cà rốt thì hôm sau cho ăn súp đậu đỏ nấu với gạo nếp, nấm, thịt gà… Cần lưu ý là không nên nấu súp đặc và đừng quên cho vào súp 1-2 muỗng dầu ăn, tùy theo hàm lượng chất béo đã có trong súp.

Để hỗ trợ vị giác nên lựa chọn 1 số loại trái cây có vị ngọt như mít, cam, sapôchê.

Tinh thần và dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình điều trị

Người nhiễm HIV không nên sử dụng chế độ ăn kiêng.

Tương tự, để quá trình tiêu hóa tốt đồng thời giúp cơ thể hấp thu được những chất dinh dưỡng, người bệnh cần vận động để tiêu hóa. Tuy nhiên, để tránh tình trạng sức khỏe đi xuống, chuyên gia y tế khuyến cáo nên chọn những môn thể dục nhẹ như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga. Người bệnh cần kiên trì tập, khoảng 30 phút/lần hoặc tối thiểu 30 phút/ngày.

Cuối cùng, chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, với một tinh thần lạc quan và chế độ dinh dưỡng tốt, chắc chắn cơ thể sẽ có nền tảng cải thiện hệ thống miễn dịch HIV, giúp hệ miễn dịch không bị suy yếu, góp phần hạn chế sự tàn phá của virut.

Theo PNO