Bài thuốc chữa viêm đường tiết niệu từ các loại trà dược

Viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn gây viêm nhiễm được gọi là UTI (urinary tract infection). Sự viêm nhiễm này không đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn lúc đầu nhưng có thể nó sẽ gây đau rát và khó chịu.

Đặc biệt khi vi khuẩn kháng lại các thuốc thông thường thì tình trạng đau đớn, khó chịu sẽ càng khó chữa hơn. Thường thì phụ nữ gặp vấn đề viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới.

Một số triệu chứng chung:

– Thường xuyên đi tiểu hoặc muốn đi tiểu

– Có cảm giác đau buốt khi đi tiểu

– Đau ở bụng dưới và lưng.

Khi sự viêm nhiễm phát triển mạnh thì sẽ tan toả đến thận và dạ con khiến bệnh nhân có các triệu chứng như đau lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn và nôn.

Để chẩn đoán có phải bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu hay không bạn cần phải làm test kiểm tra. Cách điều trị thông thường đối với bệnh này là sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn. Đặc biệt là cần phải chữa trị dứt điểm và vệ sinh đúng cách nếu không bệnh tái phát lại sẽ nặng hơn và khó chữa hơn.

Để phòng chống bệnh này, bạn có thể kết hợp dùng thảo dược và vệ sinh sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn viêm nhiễm. Nhà vệ sinh sạch cũng là một nhân tố quan trọng để tránh mắc bệnh UTI. Cần uống nhiều nước mỗi ngày nhưng không được nhịn tiểu bạn nhé.

Xin giới thiệu một số loại trà dược chữa trị chứng bệnh này rất hiệu quả để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Bài 1: Hải kim sa 15g, cỏ seo gà 30g, dây mướp đắng 15g, chè 5g. Hải kim sa, cỏ seo gà, dây mướp đắng cho vào nồi, đổ 1 lít nước đun sôi trong 15-20 phút, cho chè vào để sôi tiếp 2 phút là được. Uống ngày 1 thang. Hoặc cả 4 vị tán bột, cho vào ấm pha nước sôi hãm 15 phút là được. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, tiêu viêm, giải độc. Chữa viêm đường tiết niệu, viêm thận thủy thũng, sỏi niệu đạo.

Trà thuốc là liệu pháp chữa bệnh được sử dụng lâu đời.

Bài 2:

Hải kim sa 30g, trà 15g, gừng tươi 2 nhánh, cam thảo 5g. Hải kim sa, trà tán bột. Ngày 2-3 lần, mỗi lần lấy 9g bột và cho thêm cam thảo, gừng nấu nước uống. Công dụng: thanh nhiệt thông lâm, lợi tiểu tiêu trướng. Chữa tiểu tiện không thông, đái dắt, bụng dưới đau tức.

Bài 3: Ngải cứu (cả rễ) 45g, cỏ seo gà 15g, rễ cỏ tranh 15g, mật ong 10g. Ngải cứu, rễ cỏ tranh, cỏ seo gà trộn đều cho vào nồi đổ nước vừa đủ đun sôi trong 15-20 phút, lấy nước thuốc hòa mật ong uống nóng. Ngày uống 1 thang chia 2 lần trước bữa ăn. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, lợi niệu tiêu thũng, mát máu giải độc. Chữa viêm niệu đạo, viêm thận, viêm bàng quang.

Bài 4: Hạt ích mẫu, chè mỗi thứ 6-9g. Cho 2 vị vào nồi, đổ 600ml nước đun sôi còn 300ml hoặc đun sôi trong 20 phút. Ngày 2 thang, uống nóng lúc đói. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm, trị tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu dắt, nóng buốt.

Bài 5: Vỏ trắng rễ liễu 60g, nụ hoa hòe 30g, đường trắng vừa đủ. Cho 2 vị thuốc vào nồi, đổ 1,5 lít nước đun cạn còn 500ml, cho đường trắng vào đun tiếp cho sôi. Uống ngày 1 thang thay chè. Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp. Chữa bí tiểu, tiểu buốt… Chú ý: Người có chứng hư hàn và âm hư hữu nhiệt không dùng được. Khi uống thuốc phải tuyệt đối kiêng rượu và các chất cay nóng.

Bài 6: Kim tiền thảo 30-60g, râu ngô 30-60g, chè 5g. Cho cả 3 vị vào nồi, đổ nước ngập thuốc đun sôi 10 -15 phút, chắt lấy nước, rồi lại đổ nước vào đun tiếp như vậy. Hợp hai nước lại chia uống dần trong ngày. Hoặc các vị tán thành bột thô, cho vào ấm đổ nước sôi hãm trong 20 phút, uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, hóa thấp, lợi niệu bài sỏi. Chữa sỏi niệu đạo, sỏi thận, sỏi túi mật…

Theo Sức khỏe đời sống