Thuốc trị mề đay
Mày đay là một bệnh ngoài da rất thường gặp. Bệnh biểu hiện bằng các sẩn phù nổi cao hơn mặt da. Lúc đầu có một vài sẩn sau đó xuất hiện ngày càng nhiều. Các sẩn có kích thước từ 0,5-2cm, có khi thành mảng lớn khu trú trên cả một vùng da cơ thể.
Nguyên nhân: Có một số bệnh nhân bị nổi mẩn mày đay do dị ứng với một loại thuốc hoặc thức ăn nào đó. Phần lớn các bệnh nhân khác thì mẩn mày đay không rõ do nguyên nhân gì. Mày đay xuất hiện nhiều hơn trên các bệnh nhân viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa có tính chất di truyền. Thường thì bệnh nhân được di truyền một làn da khô, chất bảo vệ ít và khi gặp điều kiện thuận lợi mới phát sinh bệnh. Bệnh viêm da cơ địa được biểu hiện bằng các hình thái lâm sàng như: á sừng, tổ đỉa, chàm nếp gấp, mày đay, sẩn ngứa…
Thuốc điều trị: tại chỗ có thể bôi các thuốc làm dịu da như hồ nước, cream vitamin E, dung dịch dalibour…
Nếu có biểu hiện viêm đường hô hấp trên thì phải uống một đợt kháng sinh. Vì những nhiễm khuẩn cũng là tác nhân gây phát sinh bệnh mày đay.
Nên tẩy giun 1-2 lần trong 1 năm để làm sạch hết các ký sinh trùng đường ruột. Các ký sinh trùng đường ruột cũng là một trong các tác nhân gây bệnh. Để điều trị giảm triệu chứng tức thì phải uống một trong các thuốc kháng histamin như loratadin hoặc fexofenadin trong 10 – 20 ngày.
Ngoài ra, nếu có điều kiện thì uống thuốc Đông y thanh nhiệt giải độc từ 1-2 tháng.
Phải uống nhiều nước lọc trong ngày, ăn nhiều rau xanh, quả tươi để tăng thải độc. Nếu buồn đi tiểu thì phải đi tiểu ngay không được nhịn tiểu sẽ làm giảm thải độc và có nguy cơ gây viêm bàng quang.
TS.Nguyễn Thị Lai (Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội)
Nguồn: suckhoedoisong.vn