Nguy cơ tiềm ẩn ngủ ngáy và ngưng thở lúc ngủ

Ngủ ngáy là âm thanh của đường thở phát ra trong lúc ngủ. Ðộ lớn của âm ngáy khác nhau giữa người  này và người khác và tùy từng lúc cũng khác nhau…  Hiện tượng ngáy đơn thuần thường là không gây tác hại. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng ngủ ngáy có thể là một dấu hiệu của hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Ðây lại là một bệnh lý về rối loạn giấc ngủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại hậu quả về sau.

Khi không khí được đưa đến sau họng, nó phải đi qua một đoạn hẹp tăng vận tốc trước khi vào đến khí quản và phổi. Sự gia tăng vận tốc này do cơ hoành co lại tạo nên một áp lực âm, kéo màn hầu và lưỡi gà mềm về phía sau. Sự vận động khi thở ra thở vào này sẽ tạo ra rung động của lưỡi gà và màn hầu, gây nên tiếng ngáy. Khi há miệng soi gương, ta có thể nhìn thấy màn hầu và lưỡi gà giống như giọt nước đính vào.

Đàn ông thường bị ngáy nhiều hơn phụ nữ. Có khoảng trên 40% người lớn trên 50 tuổi bị ngáy thường xuyên. Âm ngáy có thể đạt từ 90 – 100dB ngang với tiếng ồn của một chiếc xe tải chạy gần.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Cách nhận biết

Ngủ ngáy kèm ngưng thở lúc ngủ thường gặp ở người lớn, chiếm khoảng 5% dân số. Tần suất ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn gia tăng theo tuổi tác. Ở tuổi 30 – 60, có 2% phái nữ, 4% phái nam có ngưng thở lúc ngủ và khoảng 60% người lớn tuổi có hội chứng ngưng thở lúc ngủ.

Điều quan trọng là phải phát hiện ngưng thở lúc ngủ trước khi đưa ra biện pháp điều trị ngáy. Ngưng thở cần được lưu tâm khi người bên cạnh quan sát thấy tiếng ngáy bị ngắt quãng bằng khoảng im lặng, người ngáy thở ặc ặc rồi ngưng thở kéo dài từ 10 đến 30 giây. Tiếng ngáy càng to càng có nhiều khả năng bị ngừng thở lúc ngủ.

Nếu  bạn ngủ ngáy thường xuyên, bạn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, hay bạn có thể ngủ một cách dễ dàng trong buổi họp hay lúc xem phim, lúc đọc sách hay thậm chí lúc lái xe, có thể bạn đã bị ngưng thở lúc ngủ. Cũng vậy khi bạn dễ bị tăng cân, khi bạn phải thức giấc nhiều lần vì đi tiểu ban đêm, bị tăng huyết áp, giảm khả năng tình dục. Bạn cần đi khám để tư vấn về bệnh lý này.

Ở trẻ em cũng vậy, nếu hiện tượng ngáy trở nên liên tục, kéo dài cũng cần đi khám bác sĩ.

Những người nào dễ bị ngủ ngáy và ngưng thở lúc ngủ

Những người có màn hầu dầy, có lưỡi gà dài, amidan –VA vòm quá phát (thường gặp ở trẻ em), bị lệch vách ngăn mũi, hàm dưới ít phát triển (trong dân gian gọi là cằm lẹm) dễ bị ngủ ngáy. Phụ nữ có thai, nhất là 3 tháng cuối cũng dễ bị ngủ ngáy do tăng trọng lượng. Ngoài ra, người lớn tuổi (trên 60 tuổi) cũng dễ ngủ ngáy và ngưng thở do trương lực cơ giảm.

Các yếu tố  nguy cơ gây ngủ  ngáy và ngưng thở lúc ngủ

Hay gặp nhất là yếu tố tăng cân, béo phì, hội chứng ngưng thở ở người béo phì cao gấp 12-30 lần người không béo phì. Ngoài ra việc dùng các thuốc ngủ, uống rượu bia buổi tối cũng làm dễ ngủ ngáy do làm mềm các cơ họng lúc ngủ. Hút thuốc lá gây nên viêm niêm mạc của họng và mũi cũng làm tăng ngủ ngáy. Ngủ nằm ngửa cũng dễ gây ngáy vì làm lưỡi và màn hầu càng tụt về phía sau.

Tăng cân, béo phì là các yếu tố gây ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Ðiều trị như thế nào?

Điều trị bao gồm nhiều phương pháp khác nhau

Chế độ sinh hoạt, ăn uống: 

Việc  điều trị này bao gồm luyện tập, chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm cân nặng, tránh các yếu tố làm thuận lợi ngáy như ngừng hút thuốc lá, không uống các chất có cồn vào buổi tối không dùng các thuốc an thần. Do ngáy thường xuất hiện khi ngủ ở tư thế nằm ngửa, vì vậy nên tập nằm nghiêng một bên, có thể hỗ trợ tư thế này bằng một gối dài chèn ép ở lưng, thậm chí có thể nằm sấp.

Điều trị tắc mũi bằng các thuốc chống sung huyết mũi. Trong trường hợp viêm mũi mạn tính phải điều trị bằng xông mũi, xịt mũi bằng các thuốc steroid.

Điều trị dị ứng bằng cách loại bỏ các yếu tố dị nguyên, nhất là dị nguyên bụi nhà như vệ sinh nhà cửa, không để bị ẩm mốc, dùng các thuốc kháng histamine chống dị ứng.

Mang hàm nhựa lúc ngủ, hàm này được đo theo cung răng từng người, làm kéo hàm dưới và lưỡi ra trước được vài milimet, tuy nhiên gây khó chịu và không được thoải mái.

Thở  bằng CPAP: chỉ dùng trong trường hợp bị ngưng thở nặng, có nguy cơ bị đột tử do ngừng thở. Thở áp lực dương liên tục qua mặt nạ thở, giúp các mô mềm không bị sụp vào lòng ống hô hấp nhằm duy trì đường thở tốt. Phương pháp này được đánh giá thành công từ 90-95%, điểm bất tiện của phương pháp này là phải đeo mặt nạ suốt đêm và lệ thuộc vào sự vận hành của máy thở.

Điều trị bằng phẫu thuật:

Phẫu thuật kinh điển: Phẫu thuật chỉnh hình màn hầu-lưỡi gà-họng (UVPP). Phẫu thuật này cắt bỏ rộng lưỡi gà, màn hầu, kể cả amidan, làm cho vùng họng rộng ra. Tuy nhiên phẫu thuật cổ điển hiện nay ít được dùng do gây đau nhiều sau mổ, có thể gây hở màn hầu làm bệnh nhân ăn bị sặc lên mũi, rối loạn cảm giác họng kéo dài… Ngày nay chủ yếu sử dụng phẫu thuật chỉnh hình màn hầu-lưỡi gà-họng cải tiến, chỉ can thiệp tối thiểu vào vùng màn hầu, phẫu thuật ít đau và ít di chứng hơn.

Ở trẻ em, cắt amidan và nạo VA được xem như một biện pháp trước tiên để điều trị ngáy và ngưng thở lúc ngủ.

Phẫu thuật bằng laser: Chỉnh hình màn hầu-lưỡi gà bằng Laser CO2. Chủ yếu dùng để điều trị ngáy đơn thuần, không bị ngưng thở lúc ngủ. Phẫu thuật này ít đau và ít biến chứng hơn.

Phẫu thuật bằng sóng cao tần (Radiofrequency): Sử dụng sóng cao tần làm xơ hóa màn hầu. Phẫu thuật này đơn giản, ít gây đau, có thể tiến hành dưới gây tê, và có thể làm nhiều lần nếu cần.

Cấy trụ  màn hầu (pillar): Đưa 3 trụ làm bằng nhựa đặc biệt vào dưới cơ màn hầu để làm nâng đỡ cho màn hầu, qua đó làm giảm rung động màn hầu, giảm ngáy. Tuy nhiên hiệu quả ở mức trung bình, giá thành đắt.

TS. Lê Minh Kỳ

Nguồn: suckhoedoisong.vn