Chế độ dinh dưỡng cho người sau mổ cắt dạ dày

Sau khi bị cắt dạ dày, bệnh nhân không thể ăn nhiều một lúc nên phải chia khẩu phần làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Do thiếu dịch vị nên việc tiêu hóa thức ăn phải “trông mong” vào men của ruột, gan, tuyến tụy…

Trong ăn uống, bệnh nhân bị cắt dạ dày cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Một ngày ăn 6 bữa, mỗi bữa một bát vừa phải (bao giờ cũng ăn khô, nhai kỹ). Không bao giờ uống trong khi ăn. Nếu khát, chỉ uống nước sau mỗi bữa ăn từ 1/2 giờ đến 1 giờ.

Tránh dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh dùng đường nhưng được ăn bánh mì khô, cơm, xôi, bánh phở, khoai, bắp… Chú ý nhai kỹ. Ăn tương đối nhiều thịt, cá, đậu phụ dưới dạng khô (càng cung cấp được nhiều chất đạm).

Nên nghỉ ngơi trước cũng như sau bữa ăn, uống chậm rãi, nhai kỹ trước khi nuốt. Cần uống thêm thuốc bổ, cung cấp các sinh tố và muối khoáng bổ sung. Riêng Vitamin B12 thì dùng dạng thuốc tiêm mới hiệu quả.

Để đảm bảo đủ chất và tránh bị thiếu máu do thiếu sắt, nên ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, xếp theo các nhóm của tháp dinh dưỡng (trên cơ sở ăn 6 bữa/ngày), gồm:

– Thức ăn cơ bản gồm ngũ cốc hay khoai, mỗi bữa tương đương nửa bát cơm. Có thể thay thế bằng 1 cái bánh quy nhạt loại lớn hay 2 bánh qui nhỏ.

– Rau xào chừng 1/3 bát, trái cây (1/2 quả chuối vừa hay một quả chuối cau).

– 50 g thịt, cá hay đậu hạt nấu chín (nếu là thịt hay cá khô, chỉ tính khoảng 25 g) hoặc 1 quả trứng.

– Sữa chỉ nên dùng sau bữa ăn khoảng 30-60 phút (nếu không quen uống sữa bò, sữa tươi hay sữa bột thì có thể dùng sữa đậu nành).

– Dầu, mỡ, bơ đều dùng được nhưng chỉ ở mức vừa phải, phù hợp với khả năng tiêu hóa, miễn hôm sau không đi tiêu ra phân mỡ là được. Các loại quả hạch (nuts), các hạt nhiều dầu như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, lạc… có thể dùng được tùy theo khả năng dung nạp, nhưng nhớ nhai kỹ.

Nếu cần chất ngọt, nên dùng aspartame thay cho đường thông thường; vì ở người không còn dạ dày, đường sẽ hấp thu ở ruột rất nhanh, buộc tuyến tụy phải đáp ứng cấp tốc, gây hội chứng “tháo thoát”. Nghĩa là ăn xong, chỉ trong vòng nửa tiếng, bệnh nhân thấy toát mồ hôi, đánh trống ngực, mệt muốn xỉu (do hậu quả của đường vào máu làm hạ đường huyết, vì tuyến tụy tiết ra quá nhiều insulin).

Ngoài việc thực hiện chế độ ăn hợp lý, bệnh nhân nên tập thể dục mỗi ngày vừa với sức mình như tập dưỡng sinh, thở bụng. Điều này giúp bệnh nhân tạo lại một thế quân bình mới, có thể tăng được vài kg. Tuy nhiên, phải lên kế hoạch, chương trình cụ thể cho việc này. Thí dụ, một người lúc khỏe mạnh cân nặng 56-57 kg, sau khi mổ còn 41 kg. Nếu một tháng tăng cân được 1 kg thì cũng phải mất 16 tháng mới lấy được số cân như cũ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)