Cây dạ cẩm bài thuốc chữa đau viêm loét dạ dày

Cây dạ cẩm còn có tên gọi là cây loét mồm, đứt lướt, ngón cúi, ngón lợn. Người Tày gọi là chạ khẩu cắm, người Dao gọi là sán công mía. Là loại cây leo, thân hình trụ, tại những đốt phình ra. Lá đơn, nguyên, hình bầu dục, mọc đối, đầu nhọn. Cụm hoa hình xim hai ngả, tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, màu trắng. Quả nang nhỏ có nhiều hạt đen. Cây mọc hoang ở vùng núi, thu hái quanh năm, thường hái lá và ngọn non, có thể dùng toàn cây bỏ rễ. Hái về rửa sạch phơi hay sấy khô, để nơi khô ráo dùng dần hay nấu cao.

Theo quan niệm của y học cổ truyền dạ cẩm có vị ngọt hơi đắng, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.

Dạ cẩm có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Sau đây là một số bài thuốc:

– Chữa sưng khớp: Dạ cẩm 20g, mua núi cây tươi 30g, náng hoa trắng 30g giã nhỏ. Tất cả hơ nóng dùng đắp bó nơi khớp sai đau.

– Chữa đau viêm loét dạ dày.

Bài 1: Dạ cẩm ngày 20 – 40g, rửa sạch cho 500ml nước, đun lửa nhỏ còn 150ml nước. Chia 2 lần uống lúc đau hoặc trước bữa ăn. Dùng liền 10 ngày.

Bài 2: Cây dạ cẩm 300g, đường 900g, nấu thành cao hoặc chế si rô, uống mỗi ngày với lượng thuốc cao hay si rô tương đương với 20g dạ cẩm. Uống trong 30 ngày.

Bài 3: Dạ cẩm 20g,  lô hội 20g, nghệ vàng (tán bột mịn) 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần. Thêm mai mực tán bột 10g uống cùng nước thuốc trên nếu ợ chua nhiều. Điều trị 20 – 30 ngày là một liệu trình.

– Chữa lở loét miệng lưỡi do nóng: Cây dạ cẩm 300g, nấu thành si rô, trộn với mật ong bôi ngày 2 lần sáng sớm và trước khi đi ngủ đã đánh răng sạch. Dùng liền 5 ngày.

Tuy nhiên, do cơ địa từng người cần gia giảm và kết hợp với các vị thuốc khác thì kết quả điều trị mới cao. Do vậy, cần đến lương y có uy tín để được bắt mạch kê đơn.
Lương y Phó Hữu Đức
Nguồn: Suckhoedoisong