Viêm xương khớp
Viêm xương khớp (còn gọi là thoái hóa khớp, thoái khớp, hư khớp) là bệnh khớp do hư sụn, phần xương dưới sụn và bao khớp. Đây là bệnh khớp thường gặp nhất trong hơn 100 loại bệnh khớp khác nhau và là nguyên nhân gây tàn phế đứng thứ hai sau bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ước tính 15% dân chúng bị viêm xương khớp. Các khớp bị thoái hóa thường là ở tay, hông, gối, cổ và thắt lưng (Hình 1). Viêm xương khớp liên quan tuổi tác chứ không phải hậu quả của tuổi cao.
Làm sao nhận biết viêm xương khớp?
· Đau trong hoặc sau khi vận động. Đau tăng khi sờ vào khớp thoái hóa.
· Cứng khớp. Sáng ngủ dậy hoặc không cử động khớp một thời gian thì khớp bị cứng đơ, kéo dài không quá 30 phút.
· Khớp giảm linh hoạt. Cử động khớp không linh hoạt như trước, không thực hiện được các động tác khéo léo.
· Có tiếng lạo xạo khi cử động khớp.
· Khớp biến dạng: các khớp ngón tay gần và xa phì đại làm khớp to ra và khó cử động, từ y học gọi là nốt Heberden và nốt Bouchard (Hình 2); nặng hơn thì gù, vẹo cột sống.
· Chồi xương. Phần xương quanh khớp bị biến dạng, gồ lên, tạo hình ảnh như chồi xương (hay còn gọi là gai xương) trên phim X-quang.
Tác hại của viêm xương khớp.
· Đau kéo dài.
· Hạn chế vận động khớp.
· Chèn ép thần kinh gây đau thần kinh tọa.
· Thoát vị đĩa đệm.
· Gãy xương hông.
Hình 1. Các vị trí khớp hay bị thoái hóa.
· Gù.
Những thay đổi tại khớp do viêm xương khớp (Hình 3).
· Sụn khớp bị rỗ, thô ráp và dễ vỡ.
· Xương dưới sụn dày và bè ra.
· Mép xương quanh khớp mọc nhô ra tạo hình ảnh chồi xương trên phim X-quang.
· Màng hoạt dịch và bao khớp dày và khe khớp hẹp lại.
· Khớp bị cứng, đau khi vận động và có hiện tượng viêm.
Ai dễ bị viêm xương khớp?
· Tuổi cao. Người dưới 40 tuổi ít bị viêm xương khớp. Căn cứ trên X-quang: (1) từ 18-24 tuổi, 7% nam và 2% nữ bị viêm xương khớp ở tay; (2) từ 55-64 tuổi, 28% nam và nữ viêm xương khớp gối và 23% viêm xương khớp háng; (3) từ 65-74 tuổi, 39% bị viêm xương khớp gối và (4) từ 75-79 tuổi, gần 100% bị viêm xương khớp. Tại Mỹ, ở người 65 tuổi, 80% có dấu hiệu viêm xương khớp trên phim X-quang và 60% có dấu hiệu đau khớp.
· Giới tính. Phụ nữ bị nhiều hơn nam giới.
· Di truyền: tại Mỹ, 60% viêm xương khớp có yếu tố di truyền.
· Khớp hay bị sang chấn hay biến dạng bẩm sinh hoặc mắc phải.
· Béo phì.
Cách chữa trị
Tuy không chữa khỏi hoàn toàn viêm xương khớp nhưng điều trị giúp giảm đau, giảm độ nặng và hạn chế biến dạng xương khớp.
Thường dùng thuốc uống; một số trường hợp nặng, tiêm thuốc vào ổ khớp hoặc nạo vét xương thừa trong ổ khớp hoặc thay khớp. Các thuốc trị viêm xương khớp hay có tác dụng bất lợi; vì vậy, cần uống đúng hướng dẫn và liên hệ
thầy thuốc khi có trục trặc do dùng thuốc.

Các biện pháp ngoài thuốc như châm cứu, vật lý trị liệu có Hình 2. Nốt Heberden.
thể hiệu quả.
Ngăn ngừa
· Giữ cân nặng chuẩn.
· Rèn luyện thể lực mức độ trung bình hàng ngày.
· Hạn chế tổn thương khớp, nhất là những động tác gây tổn thương lặp đi lặp lại như quỳ lâu, ngồi xổm sẽ làm khớp gối dễ bị thoái hóa.
Các thắc mắc thường gặp
Nguyên nhân viêm xương khớp?
Viêm xương khớp có hai thể: tiên phát và thứ phát. Viêm xương khớp tiên phát có thể xảy ra ở một vài khớp hoặc nhiều khớp, phần lớn không biết căn nguyên trừ một số trường hợp liên quan gên có tính gia đình. Viêm xương khớp thứ phát, tức xảy ra có nguyên nhân, thường do:
Béo phì (tăng sức đè lên khớp).
Khớp chịu tì đè kéo dài và lặp đi lặp lại (ví dụ công việc mang vác nặng hoặc phải uốn cong tư thế kéo dài).
Hình 3. Diễn tiến viêm xương khớp.
Chấn thương trước đó (viêm xương khớp sau chấn thương).
Nhiễm trùng.
Lắn đọng tinh thể tại khớp như trong gút.
Viêm đa khớp dạng thấp.
Có phải đã bị viêm xương khớp thì bệnh nặng dần lên?
Không. Diễn tiến viêm xương khớp khác nhau tùy người. Đa phần, viêm xương khớp nhẹ, không gây tàn tật; chỉ một số ít bệnh nặng dần đòi hỏi chữa trị tích cực. Khớp đau có vẻ liên quan thời tiết, đau nhiều khi trời lạnh.
Chữa viêm xương khớp như thế nào?
Khi đau khớp, thầy thuốc sẽ dùng các cách chữa nhằm mục tiêu giảm đau và hạn chế biến chứng. Đó là dùng thuốc (Tây và các thuốc y học cổ truyền), châm, mát-xa…Thông thường, bác sỹ sẽ dùng thuốc có tác dụng giảm đau trong thời gian đau nhức (chữa cấp thời) bằng đường uống, thoa tại chỗ, đường tiêm bắp hoặc tiêm vào ổ khớp đang bị bệnh.
Thuốc chữa đau khớp gây xót ruột, đau bao tử quá thì làm sao?
Đúng là các thuốc làm giảm đau khớp có làm hại đường tiêu hóa, cụ thể là bao tử. Nếu xảy ra như thế, người bệnh phải trở lại chỗ đã khám và cho mình dùng thuốc để bác sỹ điều chỉnh thuốc phù hợp nhằm giúp khớp giảm đau và không hại cho bao tử mà không nên tự ý ngừng hoặc thay thuốc, cách chữa khác.
Glucosamine là “thần dược” hay sao mà ai bị viêm xương khớp cũng dùng?
Các nghiên cứu cho thấy glucosamine không có hiệu quả rõ ràng dù thuốc thường được dùng trong viêm xương khớp gối, hang và có rất nhiều biệt dược. Nếu muốn, có thể dùng glucosamine một đợt 2 tháng, liều 1500 mg/ngày.
Có thuốc ngừa viêm xương khớp không?
Hiện nay, chỉ có biện pháp thay đổi lối sống mới giúp ngừa viêm xương khớp mà chưa có thuốc gì để ngừa thoái khớp cả. Thay đổi lối sống là giữ cân nặng chuẩn, tập thể dục cho cơ khớp săn chắc và tránh mang vác nặng, tránh tư thế làm khớp hư nhanh.
Theo Phòng khám Sông Trà, Tp HCM