Nhiều trẻ ngộ độc chì khi bôi ‘thuốc cam’

Sau khi bôi ‘thuốc cam’ chữa tưa lưỡi, bé Bảo, 2 tháng tuổi lên cơn co giật rồi rơi vào hôn mê sâu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị nhiễm độc chì nặng. Cùng thời gian này, nhiều trẻ khác cũng nhập viện vì lý do tương tự.

‘Thuốc cam’ là tên gọi dân giã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong… Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, “thuốc cam” được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế. Trên các diễn đàn trên mạng về chăm sóc trẻ như webtretho.com, lamchame.com, nhiều ông bố, bà mẹ cũng chia sẻ với nhau về cách dùng, địa chỉ mua thuốc cam chữa bệnh cho con.

Chị Nguyễn Thị Thu (Phúc Thọ, Hà Nội), mẹ cháu Bảo bị ngộ độc loại thuốc này cho biết, loại thuốc cam chị bôi cho con được mua từ một thầy lang cùng xã. Khi nhập Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng hôn mê, các bác sĩ nghi ngờ cháu ngộ độc, đã gửi mẫu máu và mẫu thuốc cam đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL, thuốc bột màu cam có 10% hàm lượng chì.

Hiện cháu Bảo đang được điều trị thải độc chì tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Theo các bác sĩ, sức khỏe của cháu đã ổn định, trẻ đã có thể ăn sữa, bú mẹ và tự thở được, nhưng việc nhiễm chì nặng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của em sau này.

Một bác sĩ khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trong vòng 2 tuần nay, khoa đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc chì liên quan đến việc dùng thuốc cam chữa viêm loét miệng và hiện đang điều trị cho hai bệnh nhi trong số này.

Một cháu là bé trai 14 tháng ở Lạc Thủy, Hòa Bình, được mẹ mua thuốc cam ở chợ gần nhà bôi vào lưỡi, vòm miệng để chữa tưa lưỡi. Cháu khác mới 6 tháng tuổi ở Thanh Thủy, Phú Thọ. Các trẻ này đều nhập viện với cùng triệu chứng là nôn nhiều, co giật, da xanh xao và kết quả xét nghiệm đều có hàm lượng chì trong máu cao gấp hơn 10 lần mức cho phép…

Bé Bảo đang được điều trị thải chì tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thùy.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm từng điều trị cho một số trường hợp trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam.

Ngay hồi tháng 4 năm nay, trung tâm đã tiếp nhận một bé trai 4 tuổi ở Mỹ Đức (Hà Nội) trong tình trạng còi cọc, da xanh tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong máu em và mẫu thuốc cam dùng bôi miệng cho em đều có chì.

Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, từ lúc hơn 1 tuổi, thấy con hay bị tưa lưỡi và hăm đỏ mông nên thỉnh thoảng chị lại mua thuốc cam ở chợ gần nhà bôi cho cháu. Khi 2 tuổi, thấy bé còi cọc, yếu ớt, gia đình cho đi khám thì được chẩn đoán là thiếu máu. Dù được truyền máu liên tục trong 2 năm sau đó nhưng thể trạng cháu cũng không khá hơn. Đến 4 tuổi, khi làm xét nghiệm tại Trung tâm chống độc, gia đình mới biết bé bị nhiễm chì rất nặng, phải nhập viện điều trị.

Ảnh: Minh Thùy
Phần thuốc cam còn lại sau khi được dùng bôi cho bé Bảo (Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Minh Thùy

Theo tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm chống độc, trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm. Chì vào cơ thể lắng đọng trong các tổ chức cơ quan, lưu hành tự do trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, ảnh hưởng tới hệ tạo máu gây thiếu máu, còn khi xâm nhập vào xương, nó khiến trẻ không phát triển được chiều dài…

Khi bị nhiễm độc chì, trừ trường hợp với nồng độ thấp, thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng là có thể hồi phục, nếu không, dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng khiến ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ.

Tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, chì là một kim loại có hại cho sức khỏe nên trong y học cổ truyền không có thuốc nào dùng chì để chữa bệnh. Kể cả trong bảo quản dược liệu, người ta cũng không dùng tới chì.

Ông Đống cho biết, trong các vị thuốc cổ truyền, cũng có một số chất độc được đưa vào vị thuốc như asen (thạch tín), thủy ngân, lưu huỳnh… nhưng với liều lượng cực thấp. (Những chất này khi ở liều lượng thấp lại có tác dụng tốt như lưu huỳnh hiệu quả với tiêu hóa, asen liều rất thấp kích thích tạo hồng cầu…).

“Nghe chuyện ngộ độc chì từ thuốc bắc, thuốc nam tôi thấy lạ quá”, ông bày tỏ.

Theo tiến sĩ Đống, nếu thực sự tìm thấy chì trong thuốc y học cổ truyền, thì có thể chì này ngấm vào dược liệu (khi các cây thuốc được trồng ở những vùng có khoáng quặng). Tuy nhiên, dù vậy thì đây cũng là trường hợp hiếm và hàm lượng chì có trong dược liệu sẽ rất thấp, không thể gây ngộ độc được. Ngoài ra, chì không có tác dụng gì trong chữa bệnh nên khả năng người ta cố ý đưa kim loại này vào thuốc là vô lý.

Trước khi chờ cơ quan chức năng làm rõ sự việc, các bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ khi chữa bệnh cho con, dù theo đông y hay tây y, đều cần đến những địa chỉ uy tín, có chứng nhận hành nghề. Tại đây, trẻ phải được khám, xác định là bệnh gì, đơn thuốc cho cần ghi rõ thành phần, tên, hàm lượng, cách dùng… Khi cho con dùng thuốc mà thấy trẻ có biểu hiện bất thường cần ngừng ngay và đưa trẻ đi khám. Với những trẻ càng nhỏ thì việc dùng thuốc càng cần phải thận trọng.

Minh Thùy – Theo vnexpress

Từ khóa: