Hội chứng cường giáp (basedow)

Đại cương :

– Hormon tuyến giáp : T3, T4 trong đó FT3 và FT4 có tác dụng chính lên:

+ Sự phát triển của cơ thể
+ Sự biệt hóa của cơ quan
+ Cung cấp năng lượng cho hoạt động chính của các cơ quan.

– Basedow : cường giáp trạng do tăng sản xuất hormon tuyến giáp (T3, T4) do nguyên nhân tự miễn. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 20-40 tuổi, có thể có tính chất gia đình.

Trong thể điển hình, các triệu chứng giáp trạng phối hợp hai loại:

1.Triệu chứng cường giáp trạng:

– Nhịp tim nhanh: là triệu chứng trung thành nhất, bao giờ cũng có. Thường là nhịp xoang nhanh từ 90-140 /phút, đều và liên tục. Đôi khi có ngoại tâm thu và loạn nhịp hoàn toàn.

– Bướu giáp trạng: bướu thường nhỏ. Đây là bướu mạch, sờ đôi khi thấy rung miu tâm thu hoặc liên tục. Bướu bao giờ cũng di động theo nhịp nuốt, không đau, hơi căng. Bướu thường to lên trong các đợt tiến triển. Cũng có khi bướu có một hay nhiều nhân. Rất ít khi không sờ thấy bướu, có thể do bướu, phát triển vào sâu trong lồng ngực nên không sờ thấy.

– Nghe bướu có thể thấy tiếng thổi tâm thu hay tiếng thổi liên tục.

– Gầy, sút nhanh: Gầy nhanh, và gầy toàn thể, nhất là trong các đợt tiến triển, mặc dù người bệnh ăn rất nhiều. Vì vậy phải thường xuyên theo dõi cân nặng người bệnh.

2.Triệu chứng rối loạn hạ khâu não – yên:

– Mắt lồi: thường lồi cả hai bên. Có khi lồi to làm mắt không nhắm kín được. Mắt sáng long lanh, mi mắt thường co giật, người bệnh không làm được động tác hội tụ hai nhãn cầu.
Đáy mắt và nhãn áp bình thường. thị lực có khi hơi kém, làm người bệnh nhìn mờ dần.

– Run tay: run ở đầu ngón tay và bàn tay, run đều, biên độ nhỏ, run tăng lên khi bị xúc động hay lo sợ. Có khi nhìn ngoài đã thấy tay run rõ rệt, nhưng cũng có khi bảo người bệnh duỗi thẳng tay, để tờ giấy lên mu bàn tay, thấy tờ giấy rung động nhiều do run tay.

– Thần kinh: Hay cáu gắt, lo âu, kích thích, run tay, yếu cơ ; nóng bức, ra nhiều mồ hôi, ỉa chảy, rối loạn kinh nguyệt.

Xét nghiệm:

– T3 , T4, FT3, FT4 tăng ; TSH giảm.
– Xạ hình tuyến giáp : Tuyến giáp to, độ tập trung I131 tăng cao.
– Chuyển hóa cơ sở tăng +20%.
– Đường máu có thể tăng (bình thường: 0,8 – 1,2g%),
– Cholesteron có thể giảm (bình thường: 1,8g – 2,3g%).
– Xét nghiệm kháng nguyên kháng receptor TSH -TrAb (+).
– Điện tim: Nhịp nhanh xoang hoặc loạn nhịp.

Biến chứng:

– Tim mạch:
+ Suy tim
+ Loạn nhịp tim: ngoại tâm thu, loạn nhịp ho àn toàn (rung nhĩ).
– Lồi mắt ác tính -> mù
– Cơn cường giáp cấp ( còn gọi là cơn bão giáp trạng): tỷ lệ tử vong rất cao, gần 100%.
+ Sốt cao 39-400C, nhịp tim nhanh 120-160 chu kỳ/phút.
+ Iả chảy, vàng da.
+ RL ý thức -> hôn mê.

Điều trị:

– Nội khoa: Là phương pháp điều trị phổ biến nhất và là phương pháp điều trị ban đầu. Thời gian điều trị từ 12-24 tháng:
+ Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi thư giãn, ở nơi yên tĩnh, ăn đồ mát, loại bỏ các chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá, cà phê)…
+ Thuốc: Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, thuốc chẹn Bê-ta giao cảm, thuốc an thần.

– Điều trị bằng iode phóng xạ Iốt 131.

– Phẫu thuật cắt tuyến giáp (còn giữ lại một phần).

Chỉ điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc I131 với BN sau khi đã được điều trị nội khoa.