Chữa nhiệt miệng bằng Đông Y
Loét miệng còn được gọi là nhiệt miệng, rất hay gặp. Bệnh không nguy hiểm nhưng rất khó chịu, khiến bạn xót miệng, đau rát, ăn mất ngon, thậm chí có thể gây mất ngủ, rối loạn tiêu hóa. Trẻ em bị nhiệt miệng thường quấy khóc, dễ suy dinh dưỡng.
Theo Đông y, loét miệng thuộc phạm vi chứng khẩu cam do nhiệt độc, hỏa độc, thấp nhiệt và âm hư gây nên.
Loét miệng thuộc chứng thực hỏa: Vết loét đỏ, sưng, đau khu trú thành nốt ở niêm mạc miệng hoặc lưỡi hoặc có khi thành đám, nặng thì có mủ. Có cảm giác đau, nóng rát, nhất là khi ăn thức ăn mặn, chua, cay. Miệng hôi, khô; người cảm giác nóng hay sốt nhẹ, đầu lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, đại tiện táo.
Làm giảm đau ở miệng: Tế tân 4 gam, đinh hương 10 đến 15 cái, cam thảo xé tơi 6 gam. Tất cả hãm với 50 mi-li-lít nước sôi (bịt kín để không bay mất tinh dầu) khoảng 15 đến 20 phút, để nguội, ngậm dần từng ngụm hai đến bốn phút sẽ giúp làm dịu đau.
Thuốc uống:
Sinh địa, chút chít, lá tre mỗi thứ 16 gam, ngọc trúc, huyền sâm, mộc thông mỗi thứ 12 gam, thạch cao 20 gam, cam thảo 6 gam, sa nhân 4 gam. Sắc uống ngày một thang. Uống ba đến năm thang, nghỉ vài hôm uống thêm một đợt nữa.
Hoặc: Sinh địa, lô căn mỗi thứ 20 gam, mộc thông 6 gam, trúc diệp, ngọc trúc, huyền sâm, tri mẫu mỗi thứ 12 gam, thạch cao 40 gam, thăng ma 8 gam. Sắc uống ngày một thang. Bài này thích hợp cho người nhiệt miệng kèm theo lưỡi đỏ, ngủ kém, táo bón, tiểu tiện nóng, đỏ.
Dùng thuốc đến khi hết táo bón thì bệnh đỡ. Nên dùng củng cố một vài đợt sau khi đã có kết quả.
Nhiệt miệng thuộc chứng hư nhiệt: Thường gặp ở người thể trạng gầy gò, miệng lưỡi khô ráo, các vết loét không sưng hoặc ít sưng, đỏ, đau nhẹ, lưỡi đỏ, nước tiểu ít, màu vàng, đại tiện táo… Bệnh hay tái phát nhiều lần, có khi tưởng như khỏi lại đột nhiên xuất hiện. Tùy điều kiện và từng trường hợp, có thể dùng một trong hai bài thuốc sau:
Sa sâm, mạch môn, ngọc trúc, huyền sâm, hoàng bá mỗi thứ 12 gam, sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi thứ 16 gam, đan bì, tri mẫu mỗi thứ 8 gam, cam thảo 4 gam. Sắc uống ngày một thang, uống dần làm nhiều đợt, mỗi đợt năm đến mười thang.
Sinh địa 16 gam, hoài sơn, hoàng bá mỗi thứ 12 gam, sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, huyền sâm, tri mẫu mỗi thứ 8 gam. Nếu mất ngủ thêm táo nhân sao đen 12 gam; táo bón nhiều thêm vừng đen (giã dập) 12 gam.
Nếu bị viêm loét miệng mạn tính thành từng đợt hoặc gần như liên tục, kéo dài, bệnh nhân cần được thăm khám toàn diện và đôi khi cần được chẩn đoán xác định nguyên nhân bằng cách nuôi cấy vi khuẩn, nấm, xét nghiệm tế bào học…
Trẻ em đang bú mẹ, người suy giảm miễn dịch hoặc có thói quen uống sữa có thể bị loét lưỡi, miệng mà dân gian hay gọi là “tưa lưỡi”, thường do nấm bạch sắc niệm châu (Candida albicans). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh phát triển làm trẻ bú khó khăn, thậm chí nấm lan xuống đường tiêu hóa gây đại tiện lỏng, sống phân… Việc chữa trị không mấy khó khăn, chủ yếu làm thay đổi môi trường, kiềm hóa tại chỗ. Có thể dùng các cách sau đây:
Dùng gạc sạch thấm mật ong xoa miệng, lưỡi cho trẻ, ngày vài ba lần. Đây là phương pháp kinh điển, đồng thời là kinh nghiệm dân gian. Nhiều nghiên cứu cho thấy dung dịch 30% mật ong có thể ức chế hoặc tiêu diệt hầu hết các loại nấm và vi khuẩn, lại có vị ngọt dễ chịu.
Lá rau ngót rửa sạch, thêm vài hạt muối, giã lấy nước, thấm vào gạc sạch xoa miệng, lưỡi như trên.