Ung thư phổi: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ung thư phổi được chia làm hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, tuỳ thuộc vào hình dạng tế bào dưới kính hiển vi. Mỗi loại ung thư phát triển và lan theo những cách khác nhau và được điều trị khác nhau.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thường gặp hơn ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 80%) và nó thường phát triển và lan chậm hơn. Có ba loại ung thư không phải tế bào nhỏ chủ yếu. Chúng được đặt tên theo loại tế bào từ đó ung thư phát triển: ung thư biểu mô tế bào vẩy (còn được gọi là ung thư dạng biểu bì), ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào lớn.
I. CÁC TRIỆU TRỨNG CỦA BỆNH UNG THƯ PHỔI:
- Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn.
- Thường xuyên thấy đau ngực.
- Ho ra máu.
- Khó thở, ngạt mũi, khàn giọng.
- Viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại.
- Phù nề vùng mặt và cổ.
- Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân.
- Mệt mỏi.
Những triệu chứng này có thể do ung thư phổi gây ra hoặc cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra. Điều quan trọng là phải đến bác sĩ khám bệnh.
II. NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ PHỔI:
Các nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi bao gồm các tác nhân gây ung (như khói thuốc lá), bức xạ ion hoá, và nhiễm virus. Sự phơi nhiễm lâu dài với các yếu tố này gây tích tụ các thay đổi trong DNA của mô lát bên trong phế quản của phổi (tức biểu mô phế quản). Khi ngày càng nhiều mô bị tổn thương, cuối cùng sẽ dẫn đến ung thư.
Khói thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi. Các chất độc hại, được gọi là những tác nhân gây ung thư, có trong thuốc lá làm tổn hại tới các tế bào ở trong phổi. Dần dần, những tế bào này có thể trở thành ung thư. Xác suất một người hút thuốc bị ung thư phổi phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, lượng thuốc lá hút trong một ngày và mức độ hít khói thuốc. Ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi. Những người hút các loại thuốc lá khác và những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ tương tự.
Radon
Radon là một chất khí phóng xạ không màu, không mùi vị và không nhìn thấy bằng mắt thường trong tự nhiên có trong sỏi và đá. Nó có thể làm tổn hại tới phổi và từ đó có thể dẫn đến ung thư phổi. Những người làm việc trong hầm mỏ có thể tiếp xúc với khí radon và ở một số vùng ở Mỹ người ta còn tìm thấy khí radon ở trong các ngôi nhà. Hút thuốc lá còn làm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng lên cao hơn ở những người đã có nguy cơ mắc căn bệnh này do tiếp xúc với khí radon. Một bộ dụng cụ có bán ở các cửa hàng kim khí cho phép những người chủ nhà đo mức độ khí radon trong nhà của họ. Kiểm tra mức độ khí radon trong nhà là một công việc tương đối dễ dàng và ít tốn kém. Một khi vấn đề về khí radon đã được xử lý thì sự đe doạ của nó sẽ biến mất.
Amiăng
Amiăng (tiếng Pháp: amiante; tiếng Anh: asbestos) là tên gọi của một nhóm các chất khoáng, có trong tự nhiên dưới dạng sợi và được sử dụng trong một số ngành công nghiệp. Amiang có hai nhóm chính là nhóm amphibole và nhóm serpentine (chrysotile hay còn gọi là nhóm amiang trắng). Nhóm amphibole khi hấp thụ qua đường hô hấp và lưu lại trong phổi rất khó bị đào thải ra ngoài. Các sợi thuộc nhóm amphibole là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như ung thư phổi, u trung biểu mô. Hiện nay, các mỏ amiang amphibole đã bị đóng cửa trên toàn thế giới, chỉ một lượng rất nhỏ các sản phẩm chứa nhóm sợi này còn được sử dụng trên thế giới. Nhóm serpentine (amiang trắng) là nhóm sợi khoáng amiang duy nhất được phép trao đổi buôn bán giữa các quốc gia. Amiang trắng khi đi vào phổi sau một thời gian từ 0.3 – 11 ngày sẽ bị phân rã và đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, loại sợi này không gây ra bất kỳ triệu chứng ung thư nào. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có amiang trắng được phép đưa vào sản xuất.
Ô nhiễm
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư phổi và sự phơi nhiễm với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định, ví dụ như các sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình đốt dầu diesel và những nhiên liệu hoá thạch khác. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Tiền sử bản thân
Một người đã mắc ung thư phổi một lần có nguy cơ mắc ung thư phổi lần hai cao hơn so với một người chưa bao giờ mắc bệnh ung thư phổi. Bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư phổi có thể ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư phổi lần hai.
Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi và tìm kiếm những cách thức để phòng chống căn bệnh này. Chúng ta đã biết rằng cách tốt nhất để phòng chống ung thư phổi là bỏ hút thuốc lá (hoặc đừng bao giờ hút). Càng bỏ hút thuốc lá sớm thì càng tốt. Thậm chí nếu bạn đã hút thuóc lá trong nhiều năm thì việc bỏ hút thuốc cũng vẫn không bao giờ là quá muộn.
III. CHUẨN ĐOÁN UNG THƯ PHỔI:
Để tìm ra nguyên nhân gây ra những triệu chứng, bác sĩ phải xem xét tiền sử của người bệnh, tiền sử hút thuốc, tiếp xúc với các chất ở môi trường tự nhiên và môi trường lao động, tiền sử ung thư của gia đình. Bác sĩ khám bệnh và có thể cho chụp X- Quang lồng ngực và làm các xét nghiệm khác. Nếu nghi ngờ ung thư phổi thì xét nghiệm tế bào trong đờm (quan sát dưới kính hiển vi những tế bào lấy từ mẫu dịch nhầy ở phổi khi ho) là một xét nghiệm đơn giản mà có thể có ích cho việc phát hiện ra bệnh ung thư. Để chẩn đoán xác định ung thư phổi, bác sĩ phải nghiên cứu mô phổi. Sinh thiết – việc lấy một mẫu mô nhỏ ở phổi để chuyên gia mô bệnh học quan sát dưới kính hiển vi – có thể cho biết một người có bị ung thư hay không. Một số thủ thuật được thực hiện để có thể lấy được mẫu bệnh nhẩm này:
Nội soi phế quản. Bác sĩ đưa một ống soi phế quản (một ống nhỏ có nguồn sáng) vào miệng hoặc mũi và luồn xuống khí quản để quan sát các đường hô hấp. Qua ống này bác sĩ có thể lấy các mẫu tế bào hoặc mẫu mô nhỏ.
Chọc hút bằng kim. Một mũi kim được đâm xuyên qua thành ngực vào khối u để lấy mẫu mô.
Chọc dịch màng phổi. Dùng kim lấy mẫu dịch bao quanh phổi để tìm tế bào ung thư.
Mở lồng ngực. Đôi khi cần phải tiến hành phẫu thuật mở lồng ngực để chẩn đoán ung thư phổi. Đây là một đại phẫu thuật được thực hiện ở bệnh viện.
IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI:
Phẫu thuật loại bỏ khối u:
Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.
Điều trị tia xạ:
Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6 cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.
Điều trị bằng hóa chất:
Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi loại tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.
Điều trị hỗ trợ:
Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau.
Cần có một chế độ ăn thích hợp, nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi giúp ích cho bệnh nhân.
Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.