Trái gấc giấu độc trong hạt

Một số người dân có thói quen khi sử dụng trái gấc, cất giữ lại hạt gấc sống hoặc đã qua nấu xôi để dành làm thuốc. Liệu hạt gấc có thần kỳ đến vậy không?

Khi dùng, có người chặt đôi hạt gấc ra, mài với ít rượu hoặc giấm thanh bôi mụn nhọt, quai bị… Số khác, giã nhân hạt gấc rồi hoà ít rượu đắp lên chỗ đau để chữa sưng vú, trĩ… Gần đây còn có một số bài thuốc khuyến khích sử dụng hạt gấc thay thế mật gấu.
Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi càrốt, còn lycopen cao gấp 70 lần cà chua, nhưng đừng quên hạt gấc lại mang độc tính cấp LD50.
Cây gấc có danh pháp khoa học momordica cochinchinensis, thuộc chi mướp đắng, được tìm thấy chủ yếu tại Việt Nam. Hoa có sắc vàng. Quả hình tròn, sắc xanh, khi chín chuyển sang đỏ cam. Vỏ gấc có gai rậm. Bổ ra mỗi trái thường có sáu múi, thịt gấc màu đỏ cam, hạt màu nâu thẫm. Trái gấc được sử dụng trong ẩm thực lẫn y học. Gần đây, trái gấc cũng đã bắt đầu được xuất khẩu dưới dạng nước ép, dầu gấc… Bộ phận chủ yếu của gấc được dùng làm thuốc là màng, hạt, rễ…

Dược tính trong hạt gấc

Để chế thuốc, cần sấy hay phơi khô cả hạt và màng gấc (lớp cơm bao quanh hạt) cho đến khi cầm hạt không thấy dính tay nữa, tức đã se màng, thì lấy dao nhọn bóc lấy màng đỏ. Với màng này người ta dùng chế ra dầu gấc, mà thành phần chủ yếu là beta-caroten, lycopen, alphatocopherol… Beta-caroten khi vào cơ thể sẽ biến thành vitamin A. Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi cà rốt.
Dầu gấc được cho là có chức năng phòng chống thiếu vitamin, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cơ thể, chống oxy hoá, chống lão hoá tế bào, có tác dụng dưỡng da… Còn lại hạt với lớp vỏ đen cứng thì đem phơi khô để dành dùng làm thuốc. Nghiên cứu hiện đại cho biết trong nhân hạt gấc có 55,3% chất lipít (béo), 16,6% chất protit (đạm), 1,8% tanin, 2,8% xenluloza, 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường, 11,7% chất khoáng… Ngoài ra còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa… Đông y gọi hạt gấc là mộc miết tử (ba ba gỗ) vì nó dẹt, hình gần như tròn, vỏ cứng, mép có răng cưa, hai mặt có những đường vân lõm xuống, trông tựa như con ba ba nhỏ. Nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng. Nó được dùng trong những trường hợp té ngã, bị thương, sang độc, sưng vú, sưng thũng hậu môn…

Thận trọng khi dùng đường uống

Cho đến nay, y học cổ truyền chưa có những khuyến cáo chính thức nào về việc không sử dụng hạt gấc trong các bài thuốc dùng đường uống. Các sách dược điển đông y chỉ dẫn cũng rất khác nhau. Một số sách như Cây thuốc dân gian Việt Nam, Cây thuốc nam phòng và chữa bệnh… lưu truyền các bài thuốc có sử dụng thành phần hạt gấc đều lưu ý chỉ dùng bôi ngoài. Một số tài liệu còn căn dặn không nên dùng hạt gấc cho bệnh thuộc về nội chứng (chứng bệnh ở phần trong thân thể). Tuy nhiên, cũng có những tài liệu như Cây thuốc quý, Những bài thuốc dân gian nổi tiếng… lại hướng dẫn hạt gấc có thể dùng uống, mỗi ngày uống một nhân nướng chín.

Mới đây, khoa dược đại học Y dược TP.HCM đã có một nghiên cứu khoa học về thành phần dược tính của cao lỏng hạt gấc, trong đó xác định độc tính cấp LD50 (liều dùng hạt gấc khi cho chuột uống sẽ làm 50% bị chết), rất quan trọng để người bệnh và thầy thuốc lưu tâm khi sử dụng hạt gấc làm thuốc. Theo đó, dùng dưới liều 20g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết. LD50 tính bằng phương pháp Behrens và Karber là 92,27g bột hạt gấc/kg. Kết quả nghiên cứu này tuy chưa thật sự toàn diện nhưng đã chứng minh nhận định hạt gấc có độc trong các sách thuốc đông y là có cơ sở. Mà đã có độc tính thì không thể muốn dùng bao nhiêu cũng được. Dùng bôi ngoài, liều lượng chỉ nên 2 – 4g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt. Mọi người cần tránh sử dụng hạt gấc làm thuốc dùng trong qua đường uống một cách bừa bãi, chưa có sự tư vấn của thầy thuốc, vì có thể ngộ độc.

Lycopen của trái gấc cao gấp 70 lần cà chua

Lycopen có nhiều trong trái cây có màu đỏ như cà chua, đu đủ, càrốt, ổi ruột đỏ… Đặc biệt trong trái gấc, hàm lượng lycopen đã được kết luận cao gấp 70 lần cà chua. Một số nghiên cứu dịch tễ học của Mỹ về tác dụng của lycopen cho thấy ở những vùng người dân ăn nhiều loại trái có chứa lycopen thì tỷ lệ ung thư ống tiêu hoá (dạ dày, trực tràng, kết tràng…) thấp hơn những vùng người dân ăn ít hoặc không ăn. Tỷ lệ chết vì ung thư cũng giảm tới 50%. Trong một nghiên cứu kéo dài 12 năm trên một nhóm đối tượng ăn ít nhất hai lần nước xốt cà chua/tuần, cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt giảm 35%. Tác dụng này còn mạnh hơn ở những người ung thư đang tiến triển. Lycopen còn có tác dụng trong điều trị bệnh viêm gan, xơ gan, hạ huyết áp, rối loạn lipid máu, chống khô mắt, mờ mắt…

Theo SGTT

Từ khóa: