Nhận diện cơn đau ngực nguy hiểm

Người ta thường than phiền đau ngực khi có cảm giác đau, đè ép, bóp nghẹt, tê… Tóm lại là bất cứ cảm giác khó chịu nào ở vùng ngực, cổ, bụng trên. Đây là triệu chứng khá thường gặp với nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh lý tim mạch, trong đó có một số bệnh nặng và nguy hiểm.

Khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Nếu bạn bị đau ngực và có một trong các tình huống sau thì nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán và loại trừ trường hợp có thể nguy hiểm tính mạng: trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (gia đình có người bệnh mạch vành, bản thân có hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, tăng mỡ máu, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…); trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ (dưới 55 tuổi); cảm giác đau ngực dữ dội, đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực; đau ngực lan ra vai, tay hay hàm; kèm theo đau ngực là các triệu chứng mệt, yếu, nôn ói, thở ngắn, vã mồ hôi, chóng mặt; đau ngực với cảm giác hoang mang, lo lắng, mất tự chủ; đau ngực liên tục kéo dài trên 15 phút; cảm giác đau ngực không giống những lần trước; đau ngực tăng lên nhiều so với các lần đau ngực trước đây.

Ngược lại, đau ngực với tính chất sau thường ít liên quan đến bệnh lý tim mạch: đau ngực thay đổi theo tư thế; đau ngực thoáng qua; cảm giác đau ngực giống những lần trước đã được biết không phải do nguyên nhân tim mạch. Tốt nhất nên đến bệnh viện kiểm tra khi có tình trạng đau ngực khác lạ.

Đau ngực báo hiệu mắc bệnh gì?

Có nhiều loại bệnh có biểu hiện đau ngực. Thường gặp nhất là:

Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: nguyên nhân là tình trạng thiếu máu cơ tim do hẹp mạch vành. Người bệnh cảm thấy tim đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận… Đau thường lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt… Đau thắt ngực tăng lên về tần số hoặc xảy ra cả khi nghỉ ngơi, được gọi là “không ổn định”. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao đưa đến nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim: do tắc một hoặc nhiều nhánh mạch vành, khiến cơ tim bị thiếu máu nặng. Tính chất đau tương tự đau thắt ngực nhưng nặng nề và kéo dài hơn, trên 15 phút. Người bệnh thường đau dữ dội đến mức không chịu nổi và có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn.

Bóc tách động mạch chủ ngực: động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, dẫn máu từ tim đi nuôi các cơ quan. Bóc tách động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị rách lớp nội mạc, làm cho máu len vào giữa lớp nội mạc và lớp áo giữa, lóc các lớp của thành động mạch chủ. Đây là bệnh lý nặng, nguy hiểm tính mạng, nguy cơ đột tử cao. Khi xảy ra bóc tách động mạch chủ ngực cấp, đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, cảm giác đau như xé ở vùng sau xương ức lan ra sau lưng, tay.

Chấn thương ngực: đau có thể do tổn thương mô mềm thành ngực, cơ ngực, xương sườn… Đau do chấn thương thường khu trú, người bệnh có thể xác định rõ vị trí đau. Với những chấn thương ngực tương đối nặng, đặc biệt, nếu có kèm theo cảm giác khó thở, người bệnh cần đến bệnh viện chụp X-quang kiểm tra để xác định có hay không tổn thương như tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi, giập phổi, gãy xương sườn…

Đau ngực do bệnh lý phổi: tình trạng viêm nhiễm từ đường thông khí như suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi… cũng gây đau ngực. Đau thường liên quan đến nhịp thở, ho…

Đau thành ngực lành tính: đau này khá phổ biến ở những người trẻ, khoẻ mạnh, không rõ nguyên nhân và hoàn toàn lành tính, không do bất thường nào. Đau thường khu trú, thoáng qua, dưới một phút, có thể lặp lại nhiều lần.

Loét dạ dày: đau thường ở bụng trên, đôi khi ở ngực. Đau có tính chất bỏng rát, cồn cào, kèm ợ hơi, giảm sau khi ăn, tăng lên sau khi hút thuốc, uống rượu, càphê.

Trào ngược thực quản: đau gây ra do dịch vị từ dạ dày trào ngược vào thực quản, thường có cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên sau ăn no, hút thuốc, uống rượu, càphê.

Nếu người bệnh có thể tự đánh giá phần nào tình trạng đau ngực của mình để đến bệnh viện đúng lúc, sẽ giúp việc điều trị kịp thời và có hiệu quả.

 

Nguồn: giaoducsuckhoe.net