Bệnh viêm phế quản: Nguyên nhân, cách phòng và điều trị

Viêm phế quản (VPQ) là một bệnh lý của đường hô hấp trong đó niêm mạc của các phế quản trong phổi bị viêm. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, sẽ gây ra ho và có thể kèm theo đờm (đàm) đặc.

Bệnh diễn tiến theo 2 dạng: cấp tính (kéo dài ngắn hơn 6 tuần) và mạn tính (tái phát thường xuyên trong vòng hơn 2 năm). Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị hen phế quản (hen suyễn) thì niêm mạc phế quản cũng có thể bị viêm và gây nên tình trạng gọi là viêm phế quản dạng hen.

I.  CÁC CẤP VIÊM PHẾ QUẢN:

VPQ cấp tínhbao gồm các triệu chứng ho có đờm và thỉnh thoảng có kèm nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hầu hết nhiễm trùng này có nguyên nhân ban đầu là do siêu vi (virus), đôi khi còn do vi khuẩn. Nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt thì niêm mạc đường hô hấp sẽ trở về bình thường sau khi hồi phục từ nhiễm trùng hô hấp kéo dài trong vài ngày.

VPQ mạn tínhlà bệnh diễn tiến nặng và kéo dài, thường phải được điều trị đều đặn.

Nếu bạn là người hút thuốc và mắc VPQ cấp tính thì cơ thể bạn sẽ khó hồi phục hơn. Thậm chí nếu một người chỉ hít một hơi ngắn thuốc lá cũng đủ làm liệt tạm thời những lông mao có tác dụng đẩy những chất kích thích, bụi và những chất đờm nhầy trong đường hô hấp ra bên ngoài.

Nếu bạn vẫn tiếp tục hút thuốc, có nghĩa là những lông mao này tiếp tục bị tổn thương và không thể thực hiện đúng nhiệm vụ của chúng nữa, và do đó làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh VPQ mạn tính. Ở những người nghiện hút thuốc nặng, hàng loạt lông mao sẽ bị mất chức năng. Phổi bị tắt nghẽn do nhiều đờm nhớt sẽ dễ bị nhiễm siêu vi và nhiễm khuẩn, theo thời gian sẽ gây biến dạng và tổn thương vĩnh viễn đường hô hấp trong phổi. Hiện tượng tổn thương vĩnh viễn này còn được gọi là Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành một thử nghiệm để đánh giá chức năng hô hấp được gọi làphế dung kế.

VPQ cấp tính thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh này có thể được điều trị hiệu quả mà không cần phải tiến hành chăm sóc y tế đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được đưa đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị khi có các triệu chứng nặng nề, kéo dài, hoặc bệnh nhân bị ho ra máu. Nếu bệnh nhân bị VPQ mạn tính thì sẽ có nguy cơ khởi phát các bệnh lý về tim mạch cũng như những bệnh lý nặng nề về hô hấp và nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

II. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN:

  • VPQ cấp tính:Thường do viêm nhiễm ở phổi, 90% bắt nguồn từ siêu vi (virus), 10% từ vi khuẩn.
  • VPQ mạn tính:Thường do một hoặc nhiều yếu tố. Nhiều đợt VPQ cấp lặp đi lặp lại theo thời gian sẽ làm suy yếu và gây kích thích ở phế quản, và có thể gây nên VPQ mạn tính. Ô nhiễm công nghiệp cũng là một thủ phạm. VPQ mạn tính thường gặp ở những người khai thác than, tiếp xúc thường xuyên với ngũ cốc, làm khuôn đúc kim loại, tiếp xúc liên tục với bụi. Nhưng nguyên nhân chính là nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài mà có thể làm kích thích phế quản và khiến chúng tiết ra quá nhiều chất đờm nhầy. Các triệu chứng của VPQ mạn tính có thể bị nặng hơn nếu trong không khí có nhiều SO2 hay các chất ô nhiễm khác.

III.  CÁC TRIỆU TRỨNG CỦA VIÊM PHẾ QUẢN:

  • Các triệu chứng có thể gặp trong VPQ cấp tính là:
    • Ho liên tục
    • Có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây, thường xuất hiện từ 24 – 48 giờ sau khi ho
    • Sốt cao, lạnh run
    • Đau hay cảm giác thắt ngực
    • Đau dưới xương ức khi thở
    • Thở ngắn
  • Các triệu chứng có thể gặp trong VPQ mạn tính là:
    • Ho kéo dài có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây (kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và liên tục trong hơn 2 năm)
    • Hơi thở khò khè, đôi khi ngừng thở

Các dấu hiệu nặng của VPQ cần được phát hiện sớm để đưa bệnh nhân đến bác sĩ:

Cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu sau:

  • Ho nhiều, kéo dài và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc các sinh hoạt hàng ngày, hoặc có kèm đau ngực dai dẳng. Có thể bệnh nhân đang bị tổn thương các phế nang bên trong phổi.
  • Các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần, và đờm trở nên nhiều hơn, sậm màu hơn, đặc hơn hoặc có máu
  • Bệnh nhân bị VPQ cấp tính mà có kèm các vấn đề về tim phổi mạn tính, hoặc bị nhiễm virus HIV, nhiễm trùng hô hấp… mà có thể làm cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý ở phổi nặng hơn như viêm phổi.
  • Khó thở. Đây là triệu chứng thường bị hiểu lầm là do VPQ. Nhưng nó còn là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, khí phế thủng, lao phổi, bệnh tim, phản ứng dị ứng nặng hoặc do ung thư.

IV.  PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN:

  • Điều trị thông thường cho VPQ cấp tính bao gồm nghĩ ngơi, uống nhiều nước, ngưng hút thuốc, tránh bị xúc động, có thể sử dụng các thuốc hít để làm dãn phế quản và có thể kèm thuốc ho.
  • Đối với trường hợp VPQ mạn tính nặng thì sử dụng thuốc nhóm steroid đường hít hoặc uống để làm giảm viêm và có thể cho bệnh nhân thở oxy khi cần thiết.

Ở những người khỏe mạnh có phổi bình thường và không mắc bệnh mạn tính thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết, thậm chí cả khi bị nhiễm khuẩn. Ho có đờm trong VPQ cấp tính trong hầu hết các trường hợp là một phản xạ tốt. Nó giúp tống đờm được sản sinh ra quá nhiều trong đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ho thật sự gây cản trở bệnh nhân khi ngủ hoặc gây đau thì bác sĩ có thể cho thêm thuốc ho. Nhưng trong đa số các trường hợp, bệnh nhân chỉ cần làm giống như điều trị một bệnh cảm cúm thông thường là uống acetaminophen, uống nhiều nước và không điều trị nhiễm trùng.

Trong trường hợp VPQ mạn tính, bệnh nhân thường dễ bị nhiễm trùng. Nếu bác sĩ không ngăn cản thì bệnh nhân nên được tiêm ngừa cúm và viêm phổi hàng năm.Vắc-xin ngừa viêm phổi thường là một mũi duy nhất. Một mũi vắc-xin sẽ giúp bảo vệ bệnh nhân khỏi các chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến.

Không nên tự ý mua thuốc ho ngoài quầy thuốc tây để điều trị VPQ mạn tính trừ khi đã được bác sĩ hướng dẫn. Cũng giống như đối với VPQ cấp tính, ho có đờm trong VPQ mạn tính cũng là điều có lợi vì giúp tống bớt những chất đờm trong đường hô hấp ra bên ngoài. Thực tế, đôi khi bác sĩ kê đơn thuốc long đờm khi bệnh nhân có ho tương đối khan hoặc đờm quá đặc không thể khạc ra ngoài. Bệnh nhân cần theo dõi đờm về màu sắc, số lượng, độ đặc để có thể biết được tình trạng nhiễm trùng hô hấp. Khi đó, bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh phổ rộng từ 5 – 10 ngày để điều trị nhiễm trùng. Trong trường hợp bạn quá cân, bác sĩ sẽ khuyên nên ăn kiêng để tránh quá tải cho tim. Nếu bạn bị kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã được xác định thông qua kết quả bất thường trên phế dung kế thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc dãn phế quản kháng hệ thống cholinergic. Đây là những thuốc giúp làm dãn tạm thời các phể quản bị hẹp trong phổi. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc nhóm steroid để làm giảm hiện tượng viêm trong các phế quản. Tuy nhiên biện pháp điều trị quan trọng nhất và thành công nhất cho bệnh VPQ mạn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ngưng hút thuốc. Các công trình nghiên cứu cho thấy nếu bạn ngưng hút thuốc, thậm chí khi bệnh VPQ mạn tính và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đang trong giai đoạn tiến triển thì không những giúp làm giảm đi độ nặng của các triệu chứng mà còn giúp cải thiện tiên lượng cuộc sống.

Trong trường hợp VPQ mạn tính có kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, thì cơ thể bị suy giảm về khả năng vận chuyển oxy từ phổi vào máu. Do đó bác sĩ có thể cho bạn thở oxy liên tục hoặc tùy theo nhu cầu. Những thiết bị cung cấp oxy hiện nay đang được phổ biến một cách rộng rãi. Nếu bạn sử dụng bình oxy tại nhà thì phải đặc biệt chú ý không được đặt thiết bị gần những chất dễ cháy nổ như rượu, xăng, các loại bình xịt… hoặc gần những nguồn nhiệt như bếp, máy sấy tóc, lò sưởi…

Chế độ điều trị tại nhà :

VPQ cấp tính: Khi bị sốt, thở nhanh, khò khè thì bạn nên ở nhà, giữ ấm, uống nhiều nước. Không cần thiết phải luôn nằm tại giường, và cũng không nên vận động quá nhiều. Có thể sử dụng bình xịt hơi hoặc cố gắng hít hơi nước nóng từ trong bình chứa đầy nước nóng.

VPQ mạn tính: Tránh tiếp xúc với nước sơn, xúc động quá mức, bụi và người đang bị cảm cúm. Có thể sử dụng bình xịt hơi hoặc cố gắng hít hơi nước nóng từ bình chứa đầy nước nóng, mặc đồ ấm khi trời lạnh và khô. Cố gắng bỏ thuốc lá.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều tự khỏi sau vài ngày hoặc một tuần. Do hầu hết các viêm phế quản đều có nguyên nhân virus nên các kháng sinh không có vai trò điều trị ở đây. Ngay cả khi ho có đàm đặc & có màu đi chăng nữa, kháng sinh hầu như cũng không có tác dụng cải thiện bệnh nếu như nguyên nhân là virus.

Nếu Bạn hút thuốc, hãy ngưng thuốc lá hoặc chí ít là giảm thiểu lượng thuốc hít trong thời gian hồi phục viêm phế quản cấp.

Ở một số trường hợp, BS có thể kê toa các thuốc thường thấy trong điều trị hen suyển nhằm mục đích làm sạch đờm nhớt trong phế quản.

Triệu chứng ho trong viêm phế quản cấp kéo dài bao lâu?

Ho trong viêm phế quản cấp có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Ho kéo dài là do các phế quản chưa lành lặn. Tuy nhiên ho có thể là triệu chứng của bệnh lý khác như suyển hoặc viêm phổi.

Nên đi BS trong các trường hợp sau:

Ho, khò khè kéo dài hơn một tháng, đặc biệt nhiều hơn khi ngủ hay khi vận động nhiều

Ho hơn một tháng và ho khạc ra dịch đàm hôi.

Ho, mệt, sốt cao liên tục

Ho ra máu

Khó thở khi nằm

Sưng phù chân