Chồng chê vì “cô bé” có mùi hôi
Hỏi: Chồng tôi bảo mùi của cô bé của tôi không dễ chịu chút nào. Tôi đã rất ý thức chăm sóc nó, thậm chí là dùng dung dịch chuyên dành riêng cho cô bé để vệ sinh hằng ngày. Nhưng tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng vì không biết mùi đó nó như thế nào? Vì sao lại có mùi và tôi phải làm gì để hết mùi?
Hoài Thương (TP HCM)
Trả lời: Lương y vũ Quốc Trung: Phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng – Đường Láng – HN:
Hầu hết dịch âm đạo ở vùng kín là kết quả bài tiết của các tuyến nhỏ trong niêm mạc âm đạo và cổ tử cung. Đó là một chất tẩy rửa tự nhiên và có tác dụng miễn trừ vi khuẩn và nấm có hại sinh sôi trong âm đạo.
Sự thẳng thắn của bạn đời sẽ giúp bạn có hướng giải quyết hợp lý. Ảnh minh họa
Số lượng dịch xả âm đạo hàng ngày như thế nào phụ thuộc vào sự thay đổi hormone trong cơ thể các phụ nữ. Nó cũng phụ thuộc vào độ tuổi, chu kỳ kinh nguyệt và đời sống tình dục của các chị em nữa. Chẳng hạn khi ở độ tuổi dậy thì, khi mang thai hoặc một tuần trước khi bắt đầu chu kỳ nguyệt san hàng tháng, dịch xả âm đạo thường xả ra nhiều hơn và nó cũng làm tăng kích thích tình dục.
Dịch xả âm đạo bình thường có màu vàng nhạt, trắng đục hay màu kem. Mặc dù chúng có thể có mùi hôi nhẹ, nhưng không quá nồng nặc. Vì thế nếu vùng kín của bạn đột nhiên có mùi khó chịu, bạn nên đến bác sĩ thăm khám sớm.
Nhất là khi những dịch xả ở âm đạo này xả ra dày, có màu vàng hoặc màu nâu và kèm theo mùi hôi tanh khó chịu. Bởi vì nó có thể là do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc bị các bệnh lây lan qua đường tình dục ghé thăm hoặc thậm chí là các triệu chứng nhiễm trùng không có dấu hiệu đấy, chẳng hạn như: Viêm nhiễm âm đạo, mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, nhiễm nấm Chlamydia, bệnh lậu, bệnh viêm vùng chậu, nhiễm nấm, ung thư âm đạo, Polyp cổ tử cung.
Vùng kín có mùi hôi tanh khi đang mang bầu: Đây được coi là hiện tượng bình thường đối với phụ nữ mang thai vì thời điểm này tiết dịch âm đạo trong thai kỳ thường tăng lên. Điều này làm gia tăng hoạt động nội tiết tố và gia tăng hoạt động của tử cung.
Sự gia tăng hormone estrogen và tăng lưu lượng máu qua vùng xương chậu sẽ dẫn đến dịch tiết âm đạo tăng cường và xả ra ngày một nhiều. Vì thế dịch xả ở âm đạo ở các chị em đang bầu bí có thể có màu trắng sữa kèm theo một mùi nhẹ hoặc có thể không mùi.
Trong trường hợp các bà bầu có một dịch xả âm đạo là màu vàng, màu xanh lục, xám hoặc nâu kèm theo có mùi hôi tanh thì phải đến khám bác sĩ để loại trừ bất kỳ nhiễm trùng âm đạo nào. Thực tế việc khí hư có mùi, có màu nâu sẽ cần điều trị âm đạo ngay lập tức vì rất có thể bạn đã bị nấm candida (nấm men nhiễm trùng) và viêm âm đạo (do vi khuẩn nhiễm trùng).
Vùng kín có mùi hôi sau chu kỳ nguyệt san hàng tháng: Là do tăng tiết dịch âm đạo sau thời kỳ nguyệt san (do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể). Điều này có thể khơi dậy ham muốn tình dục và tăng cường lưu lượng dòng chảy của dịch xả ở vùng kín, khiến nó có thể không mùi hoặc có mùi nhẹ.
Tuy nhiên, nếu sau chu kỳ nguyệt san hàng tháng, vùng kín tự nhiên tiết dịch màu nâu, màu vàng và màu đỏ kèm theo mùi hôi tanh thì có thể bạn đã bị nấm hoặc bị vi khuẩn, virus xâm nhập.
Khi vùng kín có mùi hôi khác thường bạn cần thực hiện:
– Rửa âm đạo bằng nước ấm và không mùi, có thể dùng thêm dung dịch vệ sinh có tính chất dịu nhẹ và diệt được vi khuẩn gây hại.
– Mặc đồ lót cũng như quần áo thông thoáng bằng chất liệu thoáng mát như cotton, giúp dễ dàng thấm hút.
– Không nên tự ý thụt rửa, điều này sẽ khiến cho bạn dễ mắc các bệnh viêm nhiễm.
– Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, những ngày ra nhiều huyết trắng.
– Thay băng vệ sinh hàng ngày sau 4 giờ/lần, bởi sau 4 giờ các loại vi khuẩn sẽ có cơ hội để tấn công bạn.
– Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, cho cả bạn và đối tác.
– Giữ cho vùng kín luôn khô ráo.
– Không nên dùng xà bông, sữa tắm hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Đây là sai lầm lớn rất thường gặp ở các chị em phụ nữ.
– Nguồn nước dùng để vệ sinh âm đạo cần đảm bảo sạch và không có nhiều vi khuẩn.
– Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Để điều trị chứng nhiễm khuẩn âm đạo bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa và kết hợp với việc dùng thuốc kháng sinh. Và lưu ý rằng bạn không được phép tự ý mua thuốc để điều trị những rắc rối nơi phần kín, mà thay vào đó hãy tham khảo ý kiến chuyên gia.
Theo VTC