Cách ngừa mụn trứng cá

Bệnh trứng cá (mụn trứng cá) là một bệnh ngoài da, chủ yếu gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá. Trứng cá không phải là một bệnh nguy hiểm và cũng không thuộc loại bệnh lây cho người khác. Tuy vậy trên một cơ thể, mụn trứng cá có thể từ vị trí này lan sang vị trí khác (từ lưng, mặt có thể lan ra bụng, ngực, cánh tay, bả vai).

Nguyên nhân gây bệnh trứng cá
Viêm nang lông gây trứng cá.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trứng cá. Thông thường người ta thấy mụn trứng cá chủ yếu do bị viêm nang lông, tuyến bã, do đó các chất nhờn tích tụ lại trong nang lông không được bài tiết ra ngoài kèm theo tăng tiết mồ hôi (bởi nang lông bị tắc nghẽn hoặc do bài tiết quá nhiều). Sự gia tăng bài tiết mồ hôi và chất bã nhờn làm tích tụ ngày một nhiều trong lỗ chân lông tạo thành các mụn.  Hiện tượng tăng tiết mồ hôi và tăng tiết bã nhờn  diễn ra lúc tuổi dậy thì có liên quan mật thiết đến rối loạn nội tiết tố. Hiện tượng bã nhờn bị ứ đọng tạo thành nhân trứng cá. Một lý do khá quan trọng trong việc hình thành mụn trứng cá là có vai trò của vi khuẩn. Do một số loại vi khuẩn kết hợp với tăng tiết, ứ đọng bã nhờn càng gây nên hiện tượng viêm nhiễm, làm tăng thêm sự ứ đọng của bã nhờn do đó mụn trứng cá càng phát triển. Một số loại vi khuẩn hay gặp trong bệnh trứng cá là Propione – bacterium acnes (hay còn gọi là Corynebacterium acnes), Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da), Pityrosporum… Các loại vi khuẩn này bình thường có thể có trên da một số người nhưng nếu gặp ở người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn và làm tích tụ bã nhờn thì các vi khuẩn này rất dễ phát huy tác dụng (gây viêm nhiễm mạnh hơn), tức là phối hợp gây nên mụn trứng cá. Ngoài ra các hiện tượng như thức quá  khuya hoặc luôn luôn căng thẳng thần kinh hoặc gặp nhiều stress, hoặc ăn quá ngọt, quá nhiều chất cay, nóng cũng góp phần làm gia tăng bệnh mụn trứng cá. Bệnh mụn trứng cá có nhiều loại khác nhau, tùy theo tính chất của bệnh hoặc dựa vào đặc điểm của nốt mụn trứng cá mà người ta đặt tên cho chúng. Người ta gọi một số loại mụn trứng cá như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn cụm, mụn nang, mụn cám, mụn trứng cá bọc… Đặc điểm của bệnh mụn trứng cá là bệnh hay tái phát, mỗi khi khỏi bệnh hoặc bệnh tạm lắng xuống thường để lại sẹo và làm cho da nơi bị mụn trứng cá thâm đen. Thêm vào đó nếu một người bị mụn trứng cá có ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể mà chỉ điều trị ở một nơi thì bệnh rất khó khỏi hẳn mà mụn trứng cá lại từ vùng khác sẽ lan tới vùng cũ làm bệnh tái phát. Chính vì mụn trứng cá làm cho da mặt thay đổi, sẹo sau khi bị mụn trứng cá và thay đổi màu da (đen, sạm) gây buồn phiền không nhỏ cho giới trẻ.

Sự tăng tiết tuyến bã và tuyến mồ hôi gây bệnh trứng cá.

Khi bị trứng cá nên làm gì?

Mặc dầu bệnh trứng cá gây phiền muộn cho nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi trẻ. Tuy vậy khi mắc bệnh trứng cá không nên quá lo lắng, quá bức xúc mà  tự mua thuốc để điều trị thì bệnh không những không khỏi mà nhiều khi còn nặng hơn thậm chí để lại những hậu quả xấu. Việc rất cần làm là đi khám bệnh để được chẩn đoán chắc chắn và có lời khuyên thích đáng của bác sĩ khám bệnh tốt nhất là được khám bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trứng cá. Bệnh trứng cá là một bệnh ngoài da mà da của mỗi một người lại thường có sự nhạy cảm khác nhau, vì vậy có khi cùng một loại thuốc nhưng có tác dụng rất tốt đối với người này nhưng người khác thì bị kích ứng không thể dùng được. Hoặc có loại thuốc dùng cho người này bệnh sẽ khỏi nhưng dùng cho người kia thì bệnh không khỏi hoặc khỏi rất chậm. Tuyệt đối không tự dùng thuốc điều trị có corticoide (thuốc uống, thuốc bôi) khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chú ý khi dùng thuốc dễ bị tác động của tia cực tím khi ra ánh nắng mặt trời, vì vậy khi ra nắng cần đội mũ rộng vành, bịt khăn che mặt, đeo khẩu trang để tránh sự tương tác giữa thuốc bôi và ánh nắng mặt trời cũng như tránh bụi bám vào da mặt gây viêm da thêm. Hiện nay điều trị bệnh trứng cá bằng thuốc Tây y có hiệu quả cao do tác động của thuốc dựa theo cơ chế sinh bệnh. Không nên nóng vội bởi vì bệnh trứng cá là một bệnh ngoài da mạn tính kéo dài, do đó để điều trị khỏi bệnh trứng cá không phải trong ngày một, ngày hai.

Một điều cần lưu ý nữa là không nên nặn, hút mụn trứng cá làm cho bệnh nặng thêm và khi khỏi thường để lại sẹo.

Có thể phòng bệnh trứng cá được không?

Bệnh mụn trứng cá là bệnh của da vì vậy cần vệ sinh da sạch sẽ vừa tẩy rửa bớt vi khuẩn cũng như chất bã nhờn vừa làm cho thông thoáng lỗ chân lông sẽ làm giảm bớt sự tồn  tại và phát triển của vi khuẩn. Nên rửa mặt nhiều lần trong ngày cùng với loại xà phòng chuyên dụng trong bệnh trứng cá, nếu da mặt nhờn, rửa xong nhớ dùng khăn mịn nhiều sợi bông để lau khô tránh làm xây xước da mặt. Không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh. Không nên ăn quá ngọt. Nên hạn chế ăn các chất cay như ớt, hạt tiêu, mù tạt…

Theo SKDS