Dấu hiệu lao cột sống

Ngoài các nguyên nhân thường gặp của hội chứng đau lưng do thoái hoá đĩa đệm cột sống cần chú trọng phát hiện sớm những biểu hiện ban đầu của bệnh. Nếu được xác định chẩn đoán và điều trị tại chuyên khoa bệnh lao thì có thể tránh được những hậu quả nặng nề sau này.

Lao cột sống chủ yếu gây tổn thương ở đĩa đệm và thân đốt sống, hiếm gặp tổn thương ở cung sau. Bệnh có thể xảy ra tiên phát ở cột sống, có thể là thứ phát ở bệnh nhân lao phổi, lao hạch…

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Ngoài hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như trong các bệnh lao khác như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, sốt về chiều, còn kèm theo các triệu chứng về cột sống và rễ thần kinh. Biểu hiện: khi mới bị bệnh triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ đốt sống bị tổn thương, sau đó đau lan theo rễ thần kinh tương ứng, đau tăng khi đi lại, mang vác, khi ho, hắt hơi… nằm nghỉ thì đỡ đau, đau tăng dần, các phương pháp điều trị giảm đau không đỡ. Khám xét thấy có điểm đau cột sống, cạnh sống khu trú. Cột sống thắt lưng bị giảm hoặc mất ưỡn cong sinh lý, hạn chế vận động, co cứng các cơ cạnh sống. Đến giai đoạn bệnh toàn phát, đĩa đệm và cột sống bị phá hủy nặng, đồng thời tạo thành ổ áp-xe lạnh quanh vùng bị tổn thương. Biểu hiện lâm sàng nặng nề, đau ở đốt sống bị tổn thương tăng lên, đau liên tục, kèm theo các rễ thần kinh, có hội chứng chèn ép tủy hoặc đuôi ngựa. Đốt sống bị tổn thương lồi ra phía sau, cột sống có thể bị lệch vẹo, vận động bị hạn chế. Tùy theo đốt sống bị tổn thương sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng, ví dụ tổn thương đốt sống ngực 2 và 3 sẽ gây chèn ép khoang tủy 3 – 4, biểu hiện lâm sàng bằng liệt hai chi dưới kiểu trung ương và có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn dinh dưỡng ở dưới khu vực bị tổn thương. Nếu tổn thương ở đốt sống thắt lưng L2 và L3, sẽ gây chèn ép đuôi ngựa ở cao, biểu hiện thần kinh bằng liệt ngoại vi và mất cảm giác ở hai chi dưới, rối loạn cơ vòng kiểu ngoại vi, rối loạn thần kinh thực vật và dinh dưỡng nặng nề ở hai chi dưới. Khám có thể thấy ổ áp-xe lạnh, ổ mủ nằm dưới lớp da hoặc lớp cơ, tại chỗ không thấy nóng đỏ, không đau. Ổ áp-xe có vị trí khác nhau tuỳ theo nơi tổn thương ví dụ, lao ở cột sống lưng, mủ áp-xe đi theo liên sườn ra phía sau, tạo ổ áp-xe lạnh nằm cạnh hai bên cột sống dạng hình thoi; lao ở cột sống thắt lưng mủ áp-xe đi theo bao cơ thắt lưng – chậu xuống, tạo ổ áp-xe ở hố chậu hoặc ở bẹn (vùng tam giác Scarpa).

Ngoài các biểu hiện: bệnh nhân sốt, gầy sút, có thể thấy tổn thương lao ở nơi khác như lao phổi, lao hạch, lao ruột…

Phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh

Chụp Xquang có thể thấy hình ảnh tổn thương lao điển hình là đĩa đệm hẹp lại và ở giai đoạn muộn các thân đốt sống dính sát lại với nhau, bờ thân đốt sống phía trên và dưới đĩa đệm bị phá hủy tạo hang lao, thân đốt sống bị xẹp, nhất là ở phía trước làm cho đốt sống có hình chèm và cột sống bị gù, mỏm gai của đốt sống đó lồi ra phía sau. Nếu có ổ áp-xe lạnh thì trên phim Xquang sẽ thấy bóng mờ của túi áp-xe lạnh. Hình ảnh Xquang của lao cột sống khác với tổn thương ung thư: trong ung thư tổn thương chủ yếu ở đốt sống, đĩa đệm không bị tổn thương, vì vậy không thấy xẹp đĩa đệm và dính các đốt sống. Tổn thương do lao không có phản ứng dày xương, ngà xương kèm theo sự phá hủy xương. Tổn thương lao ít gặp ở cung sau đốt sống, vì vậy nếu thấy phá hủy ở cung sau có thể chẩn đoán do ung thư. Các xét nghiệm khác như tốc độ lắng máu tăng, phản ứng Mantoux (+). Đối với người bệnh, khi có những biểu hiện sớm của bệnh phải đến chuyên khoa lao để được xác định chẩn đoán. Ở đó người ta còn sử dụng những phương pháp chẩn đoán hiện đại hơn và những biện pháp điều trị có hiệu quả nhất.

Lao cột sống được điều trị như thế nào?

Khi mắc bệnh lao cột sống, người bệnh được sử dụng các thuốc chống lao theo phác đồ của chuyên khoa lao kết hợp với thuốc giảm đau, vitamin, tăng cường nuôi dưỡng. Nếu người bệnh mới bị, bệnh còn nhẹ chỉ nằm bất động cột sống tại giường khoảng 3- 4 tháng. Nếu bệnh nặng cần sử dụng giường bột, máng bột để cố định cột sống, có thể cho bệnh nhân tập vận động, xoa bóp chân tay để tránh teo cơ, cứng khớp. Chỉ định điều trị ngoại khoa khi đã có biểu hiện chèn ép tuủy, chèn ép đuôi ngựa và khi có ổ áp-xe lạnh.

PGS. Vũ Quang Bích – SKDS

Từ khóa: