Bệnh Tả (Cholera)

Bệnh tả (Cholera) là một nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, độc tố vi khuẩn gây nôn ói và tiêu chảy nặng kèm mất nước được Robert Koch phân lập vi khuẩn gây bệnh tả năm 1883.

A- Lịch sử

Bệnh tả có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng 600 năm trước Công nguyên. Vào khoảng năm 1831 bệnh tả lần đầu tiên lan truyền vào châu Âu. Đại dịch cuối cùng lan truyền từ Peru vào năm 1991. Ngày 9 tháng 2 chính phủ Peru tuyên bố đặt cả nước vào tình trạng khẩn cấp, dù vậy bệnh vẫn lan truyền sang Ecuador, Colombia, Mexico và Nicaragua. Trong số 400.000 người bệnh ở Nam Mỹ lúc đó có 12.000 người chết.

B- Nguyên nhân

– Bệnh tả thường do dùng nước nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn có nhiều nhất ở trong phân bệnh nhân và nước thải có chứa phân. Ngoài ra, các thực phẩm khác nhiễm vi khuẩn cũng có thể là nguồn gây bệnh do nấu không chín hoặc ăn uống sống như rau, cá sống, nước đá.

– V. cholerae có thể sống được trong môi trường thiên nhiên, tuy nhiên chúng sẽ chết dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ nóng trên 55 độ C sau 1 giờ và 80 độ C sau 5 phút. Bệnh lây lan mạnh do có một quần thể dân số là người mang mầm bệnh không triệu chứng hoặc người vừa khỏi bệnh đào thải vi khuẩn liên tục. Tùy theo chủng vi trùng mà có từ 1-5% số người lành mang mầm bệnh phát bệnh tả.

– Số lượng vi khuẩn có trong phân xác định bệnh nặng, nhẹ hay là người lành mang mầm bệnh:

+ Nếu có 103-105 vi khuẩn/1g phân: người lành mang mầm bệnh

+ Nếu có 106-109 vi khuẩn/1g phân: biểu hiện bệnh nhẹ

+ Nếu có 1010-1012 vi khuẩn/1g phân: biểu hiện bệnh nặng

Sau khi bị đào thải ra ngoài, vi khuẩn tả có thể tồn tại vài ngày trong nước sông rạch, nước giếng (1-2 tuần), thức ăn ô nhiễm và thức ăn bảo quản lạnh, nhất là sữa (có thể đến 20 ngày). Đây chính là nguồn lây lan chủ yếu khi ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây trực tiếp từ người bệnh sang nhân viên y tế hoặc người làm nghề tẩm liệm tử thi chết do bệnh tả.

Bệnh thường bộc phát ở những khu dân cư có mức thu nhập thấp, môi trường ô nhiễm nặng, ý thức gìn giữ vệ sinh chưa cao. Ruồi nhặng, rác ứ đọng, nước ao tù, gián, thực phẩm ôi thiu, … là những tác nhân làm bùng phát bệnh.

C- Triệu chứng

– Tiêu chảy liên tục, nôn ói nhiều, có thể gây tử vong do tình trạng mất nước nếu không điều trị kịp thời.

– Nhiễm vi khuẩn tả bắt đầu bằng thời kỳ ủ bệnh sau đó tăng dần đến giai đoạn toàn phát.

+ Thời kỳ ủ bệnh: bắt đầu từ giờ thứ 4 kéo dài đến 4 – 5 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn tả, trung bình vào khoảng 36 – 48 giờ.

+ Thời kỳ khởi phát: Vào ngày hôm sau khi bị nhiễm (từ giờ thứ 24 – 40, bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng như đau bụng (ít), tiêu chảy lúc đầu có phân nhưng sau đó là phân lỏng

+ Thời kỳ toàn phát biểu hiện với 4 triệu chứng tiêu biểu:

– Tiêu chảy xối xả hàng chục lần trong ngày, mỗi lần tiêu chảy cả lít nước. Do đó, trong vòng 6 – 8 tiếng ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể bị mất đến 20 lít nước. Phân của bệnh tả được mô tả là rất đặc hiệu với màu trắng đục như nước vo gạo, không đàm máu, không hôi thối nhưng có mùi tanh nồng. Tiêu chảy lúc này kèm đau bụng ít và không mót rặn. Đôi khi bệnh nhân đại tiện khi chưa kịp vào nhà vệ sinh.

– Nôn ói thường xuất hiện sau tiêu chảy, lúc đầu nôn ra thức ăn nhưng về sau thì nôn ra dịch vàng (do dịch mật). Có thể có cảm giác buồn nôn kèm theo tiêu chảy

– Hậu quả của tiêu chảy và ói mửa là tình trạng mất nước với các triệu chứng như da khô, nhăn nheo, mất tính đàn hồi, hố mắt trũng sâu, lừ đừ, môi khô, tiểu rất ít, chuột rút và các biểu hiện co giật.

– Các dấu hiệu toàn thân khác như tay chân lạnh, toát mồ hôi, nhịp thở nhanh, tim đập rất yếu, mạch quay nhanh nhỏ như sợi chỉ (pouls filant)

Nên chú ý khi có tiêu chảy và nôn ói nhiều nên bù nước cho bệnh nhân bằng dung dịch oresol, thể tích uống bằng thể tích bị mất do tiêu chảy hay nôn ói, đồng thời đưa đến trung tâm y tế gần nhất để bù nước và điện giải bằng dịch truyền tĩnh mạch

D- Phòng tránh

Bệnh tả có thể phòng tránh được nếu có ý thức tốt với chính mình và với cộng đồng. Luôn ăn chín và uống chín. Tuyệt đối không ăn rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh, nước đá v.v. Trái cây phải rửa kỹ, gọt sạch vỏ trước khi ăn. Tay chân luôn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Khi đã trở thành dịch thì dịch tả có tốc độ lây lan và gây tử vong khủng khiếp, không như tiêu chảy cấp.

E- Chữa trị

– Biện pháp điều trị quan trọng nhất là phải bù lại đầy đủ nước, glucose và các chất điện giải qua đường tĩnh mạch. Ở các nước đang phát triển, việc điều trị đơn giản nhưng thành công bằng cách cho uống bù nước. Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) khuyên nên cho bệnh nhân uống dung dịch glucose và muối có thành phần dưới đây:

+ Glucose: 20 g/l

+ Bicarbonat natri: 2,5 g/l

+ Clorua natri (NaCl): 3,5 g/l

+ Clorua kali (KCl): 1,5 g/l

Với biện pháp này, tỷ lệ tử vong có thể giảm từ 60% xuống còn 1%. Phòng bệnh tốt nhất là sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, ăn chín, uống chín. Tuyệt đối không ăn ở hàng quán lề đường.

– Chủng ngừa bệnh chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng và chỉ có tác dụng ở khoảng 80% số người được tiêm chủng.

Do bệnh tả diễn tiến nhanh từ 3-10 tiếng đồng hồ và có thể kéo dài 3-4 ngày, gây tình trạng cơ thể mất nước nghiêm trọng nên việc bù nước sớm là một động tác hết sức cần thiết. Trước khi chuyển đến bệnh viện, uống dung dịch oresol là phương pháp tốt nhất để bù lại lượng nước đã mất do nôn ói và tiêu chảy. Tại bệnh viện, BS sẽ chỉ định tiêm truyền tĩnh mạch đồng thời chẩn đoán xác định bệnh. Việc truyền dịch rất quan trọng nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm như suy thận, trụy tim mạch v.v.

Nếu có vi khuẩn tả, bệnh nhân sẽ được dùng các kháng sinh đặc trị V. cholerae như tetracycline, doxycycline, co-trimoxazole, chloramphenicol, azithromycine, ciprofloxacine, levofloxacine, cephalosporine thế hệ 3 v.v. Trong trường hợp bệnh nhân nôn ói, thuốc sẽ được dùng qua đường tiêm truyền.

Tuyệt đối không dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy như cồn paregoric, loperamide, lomotil v.v.vì sẽ gây chậm thải trừ độc tố và vi khuẩn. Chất độc ứ đọng trong ruột không bài tiết ra ngoài được sẽ càng gây tác hại nguy hiểm hơn. Trong y văn có ghi nhận những trường hợp dịch tả khô (cholera sec) là tình trạng tiêu chảy diễn ra rất nhanh gây tử vong đột ngột, nguyên nhân do lượng nước xuất tiết và ứ đọng trong ruột không được tống xuất ra ngoài, một phần cũng là do tác dụng của thuốc cầm tiêu chảy

– Đối với thai phụ, việc điều trị phải thật khẩn trương vì tả có thể gây sẩy thai rất nhanh. Đối với trẻ em cũng thế, tình trạng mất nước rất dễ gây ra các biến chứng ở não bộ khi hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.

– Vaccine phòng tả đã có lưu hành. TBA 0.1ml tiêm 2 lần cách nhau 7-10 ngày có thể phòng bệnh từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, đa số cư dân trong vùng dịch tễ đều đã ít nhiều có kháng thể chống tả do đã từng bị nhiễm trước đó. Kháng thể tạo được do nhiễm vi khuẩn tả trước đó có tác dụng phòng bệnh hữu hiệu và lâu dài hơn kháng thể tạo ra sau tiêm vaccin. Thời gian miễn dịch tùy thuộc từng người.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang chuẩn bị sản xuất loại vaccin tả thế hệ mới có hiệu lực đến 90-100%, thay vì chỉ đạt gần 70% như vaccin cũ. Sản phẩm này đã được Viện nghiên cứu thành công và sẽ được sản xuất tại Công ty Vaccin sinh phẩm số 1. Loại vaccin dạng uống này sẽ giúp tăng hiệu quả phòng bệnh tả chủ động, một giải pháp hiện vẫn coi là phụ do hiệu lực vaccin quá kém. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, vaccin tốt đến đâu thì biện pháp phòng bệnh tả chủ yếu vẫn là “ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch”.

Vấn đề phòng bệnh tập trung vào xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước sinh hoạt không được quá gần với nhà vệ sinh. Không được sử dụng phân tươi bón rau. Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng mỗi khi đi tiêu và trước khi ăn uống.

Cách ly người bệnh cũng là một biện pháp cần thiết để hạn chế lây lan, phát triển thành dịch bệnh. Quần áo bệnh nhân và các vật dụng khác như chén đĩa v.v. phải được luộc nước sôi 15 phút trước khi giặt giũ hoặc đem rửa. Phòng bệnh nhân và nhà vệ sinh cần được tẩy uế với dung dịch cloramin 3% hoặc cresyl 5%.

Người trực tiếp nuôi bệnh phải đeo găng tay và khẩu trang khi làm vệ sinh hoặc tiếp xúc với người bệnh. Uống dự phòng tetracycline 500mg 1 viên x 4 lần trong ngày liên tục 4-5 ngày. Ngoài ra, nên có biện pháp diệt ruồi, gián và vệ sinh tủ lạnh, tủ đựng chén đĩa, loại bỏ các thức ăn thừa để quá lâu.

F- Kết luận

Tả là một bệnh rất nặng, đã hiện diện rất lâu cùng với lịch sử loài người. Bịnh biểu hiện bằng các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy và mất nước rầm rộ. Điều trị chủ yếu dựa trên bù nước và điện giải.

Phòng chống tả đơn giản và dễ dàng nếu mọi người đều biết nêu cao ý thức trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình và cộng đồng. Phòng bệnh chủ yếu dựa trên việc ăn chín, uống chín và giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt. Không ăn rau sống, kể cả rau đã được rửa sạch, trong thời gian có dịch lưu hành. Luôn nhớ rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi tiêu.

Tuyệt đối không ăn uống ở những hàng quán bụi bặm mất vệ sinh bên lề đường, gần cống rãnh, ruồi nhặng và rác rưởi.

Tham khảo: Tài liệu của Wikipedia, WHO, CDC, Bộ Y Tế.

Từ khóa: ·