Viêm não và viêm màng não
Viêm não và viêm màng não là những bệnh rất nguy hiểm dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ em và không loại trừ cả người lớn. Hiểu biết để có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời và nhất là phòng bệnh hiệu quả là điều quan trọng mà bạn cần thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình.
==> Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ em.
Thực tế bệnh viêm não và viêm màng não là 2 bệnh khác nhau, nhưng không phải ai cũng phân biệt được. Nếu như viêm não là tình trạng nhiễm trùng của não bộ thì viêm màng não lại là tình trạng nhiễm trùng của màng não tức là những màng làm nhiệm vụ bảo vệ bao bọc chung quanh não và cả tủy sống. (Riêng từ “hội chứng não cấp” là từ dùng để chỉ chung tình trạng rối loạn tri giác (sự nhận biết) diễn ra cấp tính có thể kèm sốt, co giật do nhiều nguyên nhân).
Nguyên nhân
VN: Bệnh viêm não thường do siêu vi trùng (virus) gây ra, bệnh thường gặp là viêm não Nhật bản B do virus viêm não Nhật bản B gây ra và gần đây là các viêm não do virus đường ruột và virus gây bệnh tay-chân-miệng, ngoài ra còn có trường hợp viêm não do các virus gây bệnh thông thường như sởi, quai bị…
VMN: Bệnh viêm màng não thường do vi trùng (cũng có thể gặp những trường hợp viêm màng não do virus, vi nấm…) như vi trùng Hemophilus influenzae týp B (viết tắt là HIB), hoặc do phế cầu trùng Streptococus pneumoniae hoặc do não mô cầu Neisseria meningitidis.
Triệu chứng
Viêm não và viêm màng não có những đặc điểm riêng mặc dù cũng có những triệu chứng giống nhau.
VN: Viêm não do ngay chính mô não bị tổn thương nên ngoài những triệu chứng tổng quát như sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nôn ói, còn có những biểu hiện của rối loạn hoạt động não bộ cụ thể như nhầm lẫn, mất định hướng, nói khó, nghe kém, mất trí nhớ, ảo giác, co giật.
VMN: Triệu chứng viêm màng não bao gồm sốt, hội chứng màng não (nhức đầu, ói vọt, táo bón) và triệu chứng cứng cổ, khó gập cổ (do màng não bị viêm sẽ đau khi co giãn là lúc ta gập cổ).
Đến giai đoạn nặng thì cả viêm não và viêm màng não đều có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Tuy nhiên cũng cần nói thêm là đôi khi những triệu chứng cũng không rõ ràng dễ nhầm lẫn và ngay cả thầy thuốc cũng cần phải thực hiện các xét nghiệm mới xác định được.
Di chứng
Cả hai bệnh đều có những di chứng, càng điều trị muộn thì di chứng càng nặng.
VN: Đối với bệnh viêm não thì những di chứng liên quan đến hoạt động não bộ có thể gặp như: giảm hoặc mất trí nhớ, động kinh hoặc cử động bất thường, giảm khả năng học tập, rối loạn nhân cách.
VMN: Đối với viêm màng não thì các di chứng có thể gặp gồm: chậm phát triển tâm thần, mù, điếc, động kinh hoặc nặng hơn nữa là bại não.
Do những di chứng trầm trọng như vậy nên đối với 2 bệnh này điều quan trọng là cần phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời ngay từ khi có những triệu chứng tổng quát như sốt, nhức đầu, nhất là khi đã có một số triệu chứng của rối loạn tri giác.
Điều trị
Để xác định đúng nguyên nhân nhằm điều trị hiệu quả, ngoài thăm khám, bác sĩ còn cần làm thêm một số xét nghiệm trong đó có chọc hút dịch não tủy và đây cũng là xét nghiệm rất quan trọng để xác định nguyên nhân là mầm bệnh nào.
Bệnh viêm não thường do virus nên bác sĩ không dùng kháng sinh (vì kháng sinh không có tác dụng đối với virus), ngược lại kháng sinh lại là vũ khí quan trọng để điều trị bệnh viêm màng não thậm chí đôi khi cần đến những kháng sinh khá đắt tiền.
Phòng ngừa
Vì bệnh viêm não và viêm màng não có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những di chứng trầm trọng và điều trị khá tốn kém nên phòng ngừa là việc tối cần thiết.
– Chủng ngừa bằng vắc xin: Đây là biện pháp hữu hiệu nhất, tuy nhiên bệnh do rất nhiều loại mầm bệnh gây ra mà mỗi loại vắc xin chỉ ngừa được từng loại mầm bệnh cho nên để đạt hiệu quả cần phải chủng nhiều loại vắc xin và do đó hơi tốn kém.
Đối với viêm não thì hiện ở Việt Nam chỉ có vắc xin ngừa bệnh Viêm não Nhật bản B và các vắc xin ngừa các bệnh nhiễm virus thông thường có thể gây viêm não như sởi, quai bị, còn đối với viêm màng não thì có vắc xin ngừa vi trùng HIB và vắc xin ngừa phế cầu trùng.
Vệ sinh phòng bệnh:
Do một số loại virus gây viêm não có thể truyền qua muỗi nên cần phải thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng và phòng muỗi đốt.
Một số loại virus hoặc vi trùng có thể lây qua đường hô hấp nên cần thực hiện các biện pháp vệ sinh đường hô hấp như mang khẩu trang khi ra đường, giữ gìn vệ sinh mũi, họng tốt.
Còn lại một số virus có thể lây qua tay bẩn hoặc đường tiêu hóa nên việc giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi vệ sinh, vệ sinh thân thể cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là những biện pháp cần thực hiện.
Cũng cần nói thêm vì vi trùng có thể lây qua mũi họng khi đi bơi ở nơi nước không sạch nên cần lưu ý tránh đi bơi ở nơi nước bẩn và nhớ nút tai kỹ, đeo kính bơi và ráy tai, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch kháng sinh sau khi đi bơi.
BS, ThS. Trương Trọng Hoàng |
Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Tp.HCM |