Điều trị muộn, một thai phụ tử vong vì cúm H1N1
Thấy sốt, ho khan, đau họng, sổ mũi, thai phụ 28 tuổi, ở Vĩnh Linh, Quảng Trị đến trạm y tế xã khám, được điều trị hạ sốt, giảm ho. Sau 6 ngày điều trị không đỡ, chị đến trạm y tế khám lại và được chuyển lên bệnh viện huyện.
Đang mang thai thứ 6, chị được trạm y tế chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh với chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn chẩn đoán chị bị cảm sốt, viêm họng và cho điều trị ngoại trú.
Sau khi về nhà một ngày, bệnh tình của chị càng nặng hơn. Chị lại đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh khám và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Tại đây, chị được điều trị bằng thuốc kháng virus Tamiflu và 2 ngày sau thì chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngày 7/12, bệnh nhân có kết quả dương tính với cúm H1N1. Đến ngày 11/12, thì bệnh nhân tử vong.
Cũng trong tuần vừa qua, Việt Nam cũng ghi nhận thêm một thai phụ, 23 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định mang thai tuần thứ 33 tử vong vì cúm H1N1.
Bệnh nhân bị bệnh ở nhà 5 ngày với các triệu chứng sốt cao, đau họng, húng hắng ho, sau 3 ngày thì ho có đờm lẫn máu, tức ngực, khó thở tăng dần. Bệnh nhân đuợc đưa vào Bệnh viện lao và bệnh phổi Trung ương trong tình trạng khó thở liên tục.
Sau đó, chị được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào ngày 7/12 với chẩn đoán viêm phổi virus. Đến ngày 8/12, chị bị sảy thai, đồng thời có xét nghiệm dương tính với cúm H1N1 và 4 ngày sau thì tử vong.
Như vậy tính đến ngày 16/12, cả nước ghi nhận 49 ca tử vong vì cúm H1N1. Trong đó, TP HCM là địa phương có số ca tử vong cao nhất 7, sau đó là Đắk Lăk 5 và Bến Tre, Hà Nội đều có 4.
Theo nhận định của các chuyên gia thời gian qua dịch bệnh diễn biến âm thầm, có vẻ chậm hơn nhưng vẫn ghi nhận ca tử vong.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong thời gian qua số ca cúm nhập viện không ồ ạt. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là nhiều ca sau 3,4 ngày thậm chí là một tuần tự điều trị tại nhà, chỗ khác đến khi có biểu hiện cấp tính mới vào viện. Điều này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến âm thầm trong cộng đồng, chưa ghi nhận ổ dịch lớn. Cả nước vẫn còn 2 tỉnh là Thái Nguyên và Cà Mau có dịch cúm gia cầm.
Chính vì thế, các chuyên gia lưu ý, với những ca viêm phổi trong giai đoạn hiện nay, các bệnh viện chú ý xét nghiệm cả H5N1 và H1N1.
Về vấn đề văcxin, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, văcxin mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam là của công ty GSK, loại tiêm một liều. Đây là một trong số những văcxin được WHO tiền thẩm định và khẳng định an toàn.
Tại Canada, 23 triệu người đã được tiêm văcxin này, trong đó có 7 trường hợp có phản ứng nhưng không nặng và không cần đến bệnh viện.
Tuy nhiên, WHO cũng yêu cầu các nước được viện trợ phải cam kết trong trường hợp tiêm văcxin xảy ra phản ứng thì WHO và đơn vị tài trợ không chịu trách nhiệm về pháp lý.
Tiến sĩ Nga cũng cho biết: “Đây là lần đầu chúng ta thực hiện tiêm chủng cho người lớn với số lượng nhiều. Nên trước hết sẽ tiêm thí điểm văcxin tại một số tỉnh trước khi triển khai tiêm rộng rãi để có thể rút kinh nghiệm. Hệ thống tiêm chủng mở rộng từ trước đến nay đều là tiêm cho trẻ”.
Theo VnExpress