Trẻ mắc bệnh lao nguy hiểm gấp nhiều lần người lớn
Trẻ mắc lao có thể trở thành người tàn phế, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí tử vong
3 tháng tuổi đã mắc bệnh lao
Bệnh nhân V.L.T.C, một tuổi ở Nam Định, nhập viện BV Lao và bệnh phổi TƯ trong tình trạng hôn mê sâu. Chị Hoa, mẹ bé cho biết, cách đây nửa tháng, bé có biểu hiện sốt, quấy khóc, nôn. Đi khám tại BV tỉnh, bé C. được chẩn đoán là viêm màng não mủ. Tuy nhiên, khi điều trị 6 ngày, tình trạng của bệnh nhi càng nặng nên được chuyển lên BV Lao và bệnh phổi TƯ.
Một trường hợp khác là bé L.V.T, mới hơn 3 tháng tuổi, ở Yên Bái. Bé T. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, khó thở. Trước đó, khi được 18 ngày tuổi bé xuất hiện sốt, thở khò khè. BV tuyến tỉnh chẩn đoán bé bị viêm phổi nên kê thuốc kháng sinh điều trị. Tuy nhiên, bé T. ngày càng khó thở nhiều hơn, quấy khóc và có biểu hiện suy hô hấp.
Cấp cứu tại BV lao và bệnh phổi TƯ, các bác sĩ chẩn đoán, T. bị lao kê, đã có triệu chứng suy hô hấp nên phải thở máy. Các bác sĩ còn phát hiện, bệnh nhi này chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao dù trong nhà có người từng nhiễm lao.
Theo thạc sĩ Trần Đình Hòa, qua khảo sát của Dự án phòng chống lao quốc gia, nguy cơ nhiễm lao hằng năm ở trẻ em chiếm 1,67%. Tùy theo thể lao trẻ mắc phải có mức độ biến chứng khác nhau. Ở các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thậm chí tử vong. Đối với lao cột sống, lao khớp, dù trẻ được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng vẫn trở thành người tàn phế với những di chứng suốt đời như gù, liệt.
ThS Hoàng Thanh Vân cho biết, bệnh nhi mắc lao dễ gặp biến chứng nguy hiểm khi không được chẩn đoán, điều trị sớm. Có khá nhiều cha mẹ lầm tưởng những biểu hiện bệnh lý ban đầu của lao với các bệnh về đường hô hấp khác nên đã không đưa trẻ đi khám ngay. Đến khi trẻ có triệu chứng thở khò khè, ho ra máu hoặc xuất hiện nổi hạch tại một vị trí nào đó thì bệnh đã nặng.
Khó khăn nữa, theo ThS Hoàng Thanh Vân là nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng, việc tiêm phòng có thể hoàn toàn phòng tránh được bệnh lao. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ bảo vệ do tiêm phòng chỉ đạt được 50 – 70%. Ngay cả khi trẻ đã được tiêm phòng nhưng nếu không được cách ly khỏi nguồn lây vẫn bị mắc bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ sau khi sinh được ba ngày, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin BCG phòng lao. Sau một tháng, nếu không thấy sẹo BCG ở cơ delta thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thử phản ứng IDRR, nếu kết quả âm tính phải cho trẻ tiêm lại vắc-xin phòng lao. Ngoài ra, cần cách ly trẻ với những người có tiền sử nhiễm lao. Khi thấy trẻ có các triệu chứng nghi lao như ho, sốt kéo dài, sút cân, ra mồ hôi trộm… nên đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Đối với những trẻ đã được chẩn đoán là nhiễm lao, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng. Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám theo đúng định kỳ; tăng cường chế độ ăn không để trẻ bị suy dinh dưỡng, giữ gìn môi trường sống của trẻ luôn thoáng mát, sạch sẽ.