Các chứng bệnh thường gặp ở bé sơ sinh
Rốn chảy nước, phát ban, da xếp vảy, nghẹt mũi… là một số triệu chứng phổ biến ở trẻ sơ sinh trong một vài tuần đầu tiên. Nếu được chăm sóc tốt, các dấu hiệu trên sẽ giảm dần và khỏi hẳn.
Ảnh: Corbis.com
Da đầu xếp vảy
Những mảng vảy nhỏ màu vàng như vảy cá, xếp thành từng lớp trên đầu bé. Với đa số trẻ sơ sinh, đây là hiện tượng bình thường, không gây hại gì.
Cách chữa trị:
– Dùng loại dầu gội dành cho bé. Khi gội đầu, chú ý dùng đầu ngón tay chà xát nhẹ. Tình trạng này sẽ tự giảm sau vài ngày hoặc vài tuần. Khi trẻ lớn hẳn sẽ chấm dứt hoàn toàn.
– Không nên cố gắng dùng tay bóc lớp vảy. Điều đó sẽ khiến bé đau và vảy lan ra nhiều hơn.
– Nếu vẩy chuyển sang màu đỏ hay bị sưng tấy lên, bạn cần nhanh chóng đưa bé đi khám.
Phát ban
– Vệ sinh da bé sạch sẽ với nước ấm và lau khô bằng khăn bông mềm. Những nốt đỏ trên da trẻ sẽ nhạt đi và tự biến mất sau đó.
– Không nên để cơ thể bé trong tình trạng quá nóng, bạn nên cho con mặc quần áo rộng rãi và giữ phòng thoáng mát. Nếu da trẻ vẫn tiếp tục nổi đỏ, bạn nên đưa con tới bác sĩ.
Rốn chảy nước
Trong vài tuần đầu, hiện tượng chảy nước ở rốn bé là hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ không bị đau hoặc bạn không thấy có hiện tượng khác lạ nào khu vực rốn như chảy máu, chảy mủ… thì không nên quá lo lắng.
Chữa trị:
– Bạn cần dùng bông vệ sinh rốn cho bé cẩn thận sau mỗi lần tắm hay khi bị chảy nước.
– Nếu tình trạng này không suy giảm sau một vài tuần, bạn nên đưa bé đi khám.
Chăm sóc bé bị tiêu chảy
– Không nên tự chữa bệnh cho bé vì tiêu chảy là một bệnh nguy hiểm. Bạn nên đưa con đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
– Cho bé dùng sữa nhiều hơn ngày thường để bù vào lượng nước đã bị mất.
– Bạn nên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng sau mỗi lần thay tã cho bé để tránh bị truyền nhiễm.
– Bạn có thể cho bé uống thêm một chút nước sôi để nguội nếu cần thiết.
Đau mông
Một vài nốt đỏ mọc quanh mông bé. Khi bạn chạm tay vào trẻ sẽ khóc vì đau.
Cách chữa trị:
– Bạn nên thay tã thường xuyên cho con, đặc biệt sau mỗi lần bé đi tiểu tiện, đại tiện.
– Bạn cũng nên chú ý vệ sinh và lau khô vùng mông, hậu môn, bộ phận sinh dục của bé khi thay tã. Vệ sinh từ đằng trước ra đằng sau để tránh vi trùng từ hậu môn xâm nhập vào cơ quan sinh dục.
– Thi thoảng, có thể để bé nằm trên một chiếc khăn trong ít phút vì cuốn tã liên tục khiến da bé bị bí.
– Nếu các nốt đỏ ngày càng trầm trọng, bạn nên đưa bé đi khám.
Nghẹt mũi
– Dùng bông nhẹ nhàng vệ sinh vùng trong mũi bé, chú ý không dùng vật cứng, nhọn, chọc quá sâu vào hai lỗ mũi.
– Có thể dùng thuốc nhỏ mũi, loại dành cho trẻ sơ sinh.
– Nếu tình trạng nghẹt mũi không được cải thiện, bạn nên đưa con tới phòng khám.
(Theo Mevabe)