Ăn uống để… có con
Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của các cặp vợ chồng.
Nếu muốn có thai, người vợ nên cố gắng đạt cân nặng lý tưởng. Quá mập hoặc quá ốm đều ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và sự rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai. Với các ông chồng, phải quan tâm đến sức khoẻ của tinh trùng trong khoảng 100 ngày trước khi thụ tinh vì phải mất chừng đó thời gian để tinh trùng phát triển (74 ngày hình thành và từ 20 – 30 ngày để trưởng thành).
– Vitamin A: cần thiết để tạo hormon nữ và phát triển phôi. Vitamin A có trong trứng, sữa toàn phần và sản phẩm từ sữa, dầu cá, rau xanh đậm (rau muống, rau lang, rau dền, rau ngót, bông cải xanh, ớt ngọt…), củ quả vàng cam đậm (càrốt, bí đỏ, xoài chín, đu đủ chín, gấc…)
– Vitamin B1: cần cho sự rụng trứng và làm tổ. Vitamin B1 có nhiều trong ngũ cốc thô, gạo lứt, thịt nội tạng, lòng đỏ trứng, cá, thịt gia cầm, sữa, đậu, các loại hạt.
– Vitamin B2: một số nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin B2 có liên quan đến vô sinh, sẩy thai và sơ sinh nhẹ cân. Vitamin B2 có nhiều trong ngũ cốc thô, hạt gạo lứt, thịt nội tạng, cá, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, sữa, đậu và hạt.
– Vitamin B5: quan trọng để phát triển phôi. Nguồn thực phẩm có vitamin B5 là ngũ cốc thô, thịt, cá, trứng, gia cầm, thịt nội tạng, hạt, mầm lúa mì, cá hồi, khoai lang, bông cải xanh, cam, hạt điều, dâu.
– Vitamin B6: cùng với kẽm, vitamin B6 cần thiết để hình thành hormon nữ và giúp các hormon này hoạt động chức năng, cải thiện khả năng sinh sản. Vitamin B6 có trong ngũ cốc thô, gạo lứt, cá, thịt gia cầm, đậu, hạt, rau lá xanh.
– Vitamin B12: folate và vitamin B12 cần thiết để tổng hợp DNA và RNA. Nguồn vitamin B12 là thịt, cá, trứng, sữa. Cần dùng thêm canxi để giúp dễ hấp thu vitamin này.
– Folate (acid folic): nên nhận đủ trước khi thụ thai ba tháng và sau khi thụ thai hai tháng. Nó làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở phôi thai đang phát triển. Lưu ý, sử dụng thuốc ngừa thai sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ folate. Nguồn thực phẩm giàu folate là rau lá xanh, bông cải xanh, rau củ, ngũ cốc thô, cá hồi, sữa, đậu, măng tây, trái bơ.
– Vitamin C: là chất chống oxy hoá ngăn ngừa sự huỷ hoại của gốc tự do. Nguồn vitamin C là trái cây họ cam quýt, sơri, dâu tây, bông cải xanh, cà chua, ớt ngọt, xoài, nho, trái kiwi, dứa, măng tây, đậu, khoai tây…
– Vitamin E: thiếu vitamin E có thể gây sẩy thai. Nguồn vitamin E có nhiều trong mầm lúa mì, trứng, khoai lang, rau lá xanh, các loại hạt, đậu, trái bơ, ngũ cốc thô.
– Sắt: sắt giúp ngăn ngừa sẩy thai. Trà, cà phê, thuốc lá ức chế hấp thu chất sắt. Chất sắt có trong thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, thịt nội tạng, rau lá xanh, hạt bí đỏ, hạt hướng dương, bông cải xanh, đậu.
– Selenium: thiếu selenium có thể gây vô sinh và tăng nguy cơ sẩy thai. Nguồn selenium: cá ngừ, cá trích, mầm lúa mì, ngũ cốc thô, mè.
– Mangan: thiếu mangan có thể dẫn đến giảm khả năng rụng trứng và ức chế tổng hợp hormon sinh dục. Thực phẩm có nhiều mangan là ngũ cốc thô, rau lá xanh, càrốt, đậu, bông cải xanh, dứa, trứng.