Chữa chứng mồ hôi “trộm” ở trẻ em
Trong một số trường hợp khi người bệnh đang bị một cơn sốt nóng hành hạ, việc toát mồ hôi sẽ giúp người bệnh thấy mát mẻ, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, với trẻ em, phần lớn trường hợp ra mồ hôi “trộm” là có hại.
Tìm nguyên nhân
Mồ hôi “trộm” ở trẻ được hiểu là khi trẻ ở trong trạng thái ngủ, nghỉ, không vận động hay ăn uống nhưng mồ hôi túa ra liên tục ở phần đầu và lưng, thậm chí có thể gây ướt sũng quần áo. Hiện tượng trẻ đổ mồ hôi vào ban đêm khi ngủ rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân:
– Chủ yếu là do cha mẹ đắp quá nhiều chăn cho con mình, hoặc phòng ngủ quá bí hơi không có chỗ thông gió tạo nên sự nóng bức ngột ngạt, làm trẻ em khi ngủ cảm thấy khó chịu nên rất dễ toát mồ hôi. Khi đó ra mồ hôi “trộm” không phải là một chứng bệnh, mà chỉ cần cải thiện môi trường nơi bé ngủ. – Hệ thần kinh của bé chưa ổn định, đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện. Bởi mồ hôi bài tiết nhiều hay ít là tùy vào sự điều hòa của hệ thần kinh. – Bé không cứng cáp, có dấu hiệu của còi xương.
Dấu hiệu nào đáng quan tâm?
Nếu là do môi trường xung quanh thì chỉ cần tạo không gian thoáng, mặc quần áo vừa phải và đắp chăn mỏng cho trẻ là ổn. Nếu do sự phát triển của cơ thể bé thì các bậc cha mẹ không cần phải lo lắng cũng như tìm cách chạy chữa. Chỉ cần lưu ý giữ cơ thể trẻ thoáng mát, hạn chế các thức ăn sinh nhiệt (mỡ, thịt bò, tôm, cua, cá biển, mít, sầu riêng, xoài…), bổ sung các chất mát (rau tươi, trái cây; rau má, cải bẹ) trong nhiều ngày. Cho trẻ ở và ngủ trong phòng thoáng mát, chơi đùa dưới bóng râm và tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.
Trong trường hợp toát mồ hôi lạnh thì điều này mới đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng toát mồ hôi lạnh là do suy dinh dưỡng. Lúc này, quá trình bài tiết mồ hôi lại càng làm cơ thể trẻ nhanh chóng suy kiệt, do sự mất nước và muối sẽ khiến cơ thể trẻ yếu đi, người mệt hơn.
Mẹo hay trị mồ hôi “trộm”
Thịt trai chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ |
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng đối với trẻ ra mồ hôi “trộm” do bệnh, người mẹ có thể hạn chế tình trạng ra mồ hôi “trộm” ở trẻ bằng các bài thuốc sau:
– Cá quả 100 g, rửa sạch nhớt bằng nước sôi, lóc lấy thịt, thái nhỏ, rán cho vàng thơm, nấu với 400 ml nước đun cạn còn 100 ml, thêm muối cho đủ đậm, cho trẻ ăn cả cái lẫn nước trong ngày. Dùng 3 ngày.
– Trai rửa sạch, cho vào nồi nước, đun sôi cho trai há miệng. Để nguội, gỡ thịt trai, lấy 50 g thái nhỏ, trộn với một nắm lá dâu non đã rửa sạch, thái nhỏ. Nấu cho nhừ thịt trai, thêm muối cho đủ đậm. Sau đó cho trẻ ăn làm hai lần trong ngày để chữa chứng mồ hôi trộm, chứng hay khóc về đêm. Dùng 3-5 ngày.
– Lục vị ẩm (với các thành phần Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Mẫu đơn bì, Phục linh, Trạch tả). Với trẻ 6 tháng – 2 tuổi: uống 2,5ml/lần, ngày 2 lần. Với trẻ trên 2 tuổi: 5 ml/lần, ngày 2 lần.
Theo Gia Đình & Xã Hội